Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

2017 chờ đợi sự tỏa sáng của thế hệ bóng đá đầy hứa hẹn

Cứ 2 năm một lần, bóng đá Việt Nam lại hồi sinh giấc mơ lần đầu giành HCV SEA Games kể từ năm 1959 (khi ấy còn được gọi là SEAP Games).

Năm nay không là ngoại lệ khi Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 29 sẽ được tổ chức ở Malaysia vào tháng 8.
Được đánh giá là nền bóng đá phát triển hàng đầu khu vực, nhưng các đội tuyển bóng đá Việt Nam lại chưa một lần mang được tấm HCV Đại hội này về nhà, ngay cả khi nó đã ở rất gần như ở chung kết SEA Games 22 năm 2003 trên sân nhà, hay chung kết SEA Games 25 năm 2009 tại Lào. Trong cả 5 lần góp mặt ở trận đấu cuối cùng, chúng ta đều là những người thất bại. Có nhiều lý do để giải thích cho những thất bại ấy, nhưng hầu hết là đánh giá chúng ta… chưa đủ trình độ và bản lĩnh trước các đối thủ già dặn và kinh nghiệm hơn nhiều. Bên cạnh đó, may mắn dường như vẫn ngoảnh mặt ở những thời khắc quyết định với bóng đá Việt Nam.
Có thể nói, SEA Games 29 năm nay, chưa lúc nào đội tuyển U22 quốc gia lại được kỳ vọng đến vậy. Sự kỳ vọng ấy mang một tâm thế khác hẳn so với những kỳ Đại hội trước đây. Đó chính là do sự hiện diện của thế hệ tài năng trưởng thành từ học viện HAGL Arsenal JMG của bầu Đức, và nhiều cái tên nổi bật từ các lò khác. 2 năm trước, SEA Games 28 năm 2015 ở Singapore, lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Đông Triều, Xuân Trường… đã được mang ra thử lửa.
Dù thất bại và chỉ giành được HCĐ, nhưng tài sản quý giá nhất mà họ có được chính là kinh nghiệm thi đấu. Suốt 2 năm qua, tất cả đã cứng cáp, dạn dày hơn rất nhiều sau khi được “ném” vào guồng quay. Những trải nghiệm thất bại vô giá của Công Phượng hay Tuấn Anh ở Nhật, những tích lũy kỹ năng không thể mua được của Xuân Trường tại Hàn Quốc, hay cú vấp đau của nhiều cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam ở AFF Cup vừa qua hẳn sẽ trở thành vũ khí để giúp họ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tất nhiên, SEA Games đã, đang và sẽ mãi là một sân chơi ở tầm “ao làng”. Thế nhưng, nó càng ngày càng khó để chinh phục, và nếu chưa đạt tới tầm ao làng ấy, chúng ta khó có thể nghĩ đến những điều xa xôi hơn. Chúng ta tiến bộ về đào tạo trẻ, thì các nước bạn cũng không hề dừng lại, thậm chí còn đi nhanh hơn.
Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Indonesia đều tiến đều trong nhiều năm qua. Riêng Thái Lan đã hướng tới World Cup một cách cụ thể và thực tế. Thậm chí, một nền bóng đá làng nhàng như Campuchia cũng bắt đầu sản sinh ra những cầu thủ đáng chú ý trong những giải đấu gần đây, như Chan Vathanaka chẳng hạn.
SEA Games 29 cũng sẽ là cơ hội cuối cùng để HLV Hữu Thắng chứng tỏ năng lực của mình. Công bằng mà nói, trong thất bại ở AFF Cup 2016 vừa qua, nhà cầm quân này đã mang tới nhiều nét tích cực cho đội tuyển, đặc biệt là về tinh thần thi đấu.
Chính yếu tố này đã khiến cho những sai sót, hạn chế về chuyên môn của ông được VFF châm chước, gạt qua một bên và tiếp tục dành niềm tin vào ông ở kỳ Đại hội tới.
Nhưng hơn ai hết, HLV Hữu Thắng hiểu rằng ông sẽ cần phải thay đổi rất nhiều để có thể chạm tới mục tiêu vào chung kết SEA Games 29. Bởi chỉ mạnh về tinh thần thì không bao giờ là đủ. Tinh thần là yếu tố quan trọng, nhưng bản thân đội bóng trong tay ông cần có thực lực và một lối chơi mang lại sự an tâm.
Cũng như lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… vốn tham dự SEA Games này lần cuối cùng trong sự nghiệp do sang năm sẽ quá tuổi, HLV Hữu Thắng cũng hoàn toàn có thể phải nói lời tạm biệt, nếu ông một lần nữa thất bại.
Nhưng áp lực ấy có thể khiến nhà cầm quân này mạnh mẽ hơn, như cách mà những áp lực từng biến ông thành một “lá chắn thép” của bóng đá Việt Nam khi còn thi đấu.
Thầy trò HLV Hữu Thắng còn hơn 7 tháng nữa để chuẩn bị cho SEA Games 29, cho giấc mơ vàng đã tồn tại ròng rã gần 6 thập kỷ qua với bóng đá nước nhà.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ