3 chị em nghèo vượt khó, nuôi ước mơ đến trường
Kinhtedothi - Ông bà mắc bệnh hiểm nghèo, bố phải chạy thận hàng tuần, mẹ đi làm xa lâu lâu mới về, 3 chị em đùm bọc, cùng nhau lo toan công việc gia đình. Dù khó khăn bộn bề nhưng các em đều chăm ngoan, học giỏi.
Đó là câu chuyện về nghị lực vượt khó đáng khâm phục của 3 chị em Nguyễn Minh Hạnh (sinh năm 2006), ở thôn Triệu Xuyên 2, xã Long Xuyên (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội).
Ngôi nhà nhiều nỗi lo toan
Nhà Hạnh nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn Triệu Xuyên 2. Ngôi nhà lợp mái ngói được để lại từ hàng chục năm về trước, nay đã xuống cấp nhiều hạng mục. Bố của Hạnh - anh Nguyễn Khắc Duẩn, chống nạng bước từng bước khó nhọc ra cửa, niềm nở đón chúng tôi.
Gần 12 năm về trước, anh Duẩn bị chẩn đoán suy thận. Cũng kể từ đó, một tuần 3 lần, Hạnh phải chở bố đi Bệnh viện đa khoa thị xã Sơn Tây cách nhà hơn chục cây số để lọc máu, chạy thận. “Từ trụ cột kinh tế của gia đình, tôi trở thành “gánh nặng” cho mấy mẹ con…” - anh Duẩn nói, giọng buồn bã.
Phải chạy thận nhưng bệnh tật vẫn chưa buông tha anh Duẩn. Mấy năm gần đây, anh lại mắc thêm chứng viêm cơ cốt hóa và đứt dây chằng đầu gối khiến việc đi lại hết sức khó khăn. Chỉ tự chăm lo sinh hoạt cho bản thân thôi với anh cũng đã hết sức vất vả.
Từ ngày chồng phải chạy thận, chị Phan Thị Trâm - vợ anh Duẩn, trở thành người gánh vác cả gia đình. Nơi miền quê nghèo của huyện Phúc Thọ không kiếm được nguồn kế sinh nhai, chị Trâm phải lặn lội nay đây mai đó, ai thuê gì làm nấy, để kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí cho 7 người.
Ngày anh Duẩn bắt đầu phải chạy thận, Nguyễn Minh Hạnh mới 5 tuổi. Giờ Hạnh có thêm 2 người em, Nguyễn Minh Ánh 12 tuổi và Nguyễn Minh Sáng 9 tuổi. Hai em là học sinh trường Tiểu học Long Xuyên; còn Hạnh hiện theo học tại trường THPT Phúc Thọ, cách nhà chừng 6 cây số.
Bố mẹ ruột của anh Duẩn hiện cũng đang sinh sống cùng gia đình, nhưng không may khi cả hai đau ốm triền miên, sức khỏe yếu. Ông Nguyễn Khắc Dũng - bố anh Duẩn cho biết, nhà có 4 anh chị em, trong đó anh Duẩn là con trưởng, nhưng kém may mắn hơn cả. Bù lại 3 em thương anh sức khỏe yếu nên thường hay giúp đỡ.
“Đợt trước Tết Nhâm Dần vừa rồi, mấy đứa em chung tiền hỗ trợ anh chúng nó quét vôi ve, sửa sang lại ngôi nhà để tránh bị thấm dột mỗi khi trời mưa lớn. Giờ còn khu bếp, vẫn thi thoảng bị thấm nước nếu mưa gió kéo dài…” - ông Nguyễn Khắc Dũng chia sẻ.
Tiếp sức 3 em đến trường
Trong ngôi nhà cấp 4 vẫn lợp mái ngói từ ngày xưa, 6 người trông cả vào nguồn thu nhập từ chị Phan Thị Trâm. Thương mẹ vất vả, Nguyễn Minh Hạnh nhiều lần ngỏ ý với bố muốn đi làm thêm để phụ giúp, nhưng ngặt nỗi ở nhà không ai chăm được cho ông bà nội, cùng bố đang đau ốm; chưa kể còn phải lo toan việc học của hai em.
Những ngày đầu tháng 6, Hà Nội bước vào đợt nắng nóng gay gắt, nhưng một tuần vẫn đều đặn 3 lần, Hạnh chở bố đi Bệnh viện đa khoa thị xã Sơn Tây để chạy thận. Chiếc Honda Cub 50 phân khối đồng hành cùng hai bố con trong những lần đi chạy thận được mua lại từ một người tốt bụng, mà theo anh Duẩn là “vừa bán vừa cho”.
Không có điều kiện kinh tế dư dả nên ba chị em Hạnh thường ít ăn sáng. “Hỏi các cháu có ăn sáng đi học bao giờ không thì mấy đứa bảo không, nói là chúng con nhịn ăn sáng quen rồi. Nhưng tôi biết các cháu không có tiền để được ăn sáng đầy đủ như các bạn khác…” - cô Dương Thị Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Long Xuyên, cho biết. Hiếm khi ăn sáng, bữa cơm hàng ngày của Hạnh và các em cũng thường ít cá, thịt. Ăn uống tạm bợ nên nhìn đứa nào đứa nấy cũng gầy gò.
Cũng theo cô Dương Thị Hương, nhà trường nắm bắt được hoàn cảnh của gia đình anh Duẩn nên thi thoảng cũng tổ chức xuống nhà thăm hỏi, động viên; đặc biệt là cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các cháu đến trường. Ánh và Sáng được miễn hoàn toàn học phí.
Các chế độ chính sách dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn được nhà trường quan tâm, ưu tiên dành cho 3 chị em nghèo. Chiếc xe đạp dựng ở góc sân mà hàng ngày chị em Ánh - Sáng chở nhau đến trường cũng là do ngành GD & ĐT huyện Phúc Thọ kêu gọi, phối hợp với mạnh thường quân trao tặng để tiếp sức đến trường cho các em.
Chủ tịch UBND xã Long Xuyên Kiều Văn Hùng cho biết, gia đình anh Nguyễn Khắc Duẩn nhiều năm qua vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã. Chia sẻ khó khăn với gia đình, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, trong đó có hỗ trợ tiền điện và cấp miễn phí bảo hiểm y tế cho 7 thành viên trong gia đình. Ngoài ra, có chương trình hỗ trợ nào dành cho hộ nghèo, xã cũng đều ưu tiên xem xét cho gia đình anh Duẩn.
Chăm ngoan và luôn học tốt
Dù khó khăn nhiều bề nhưng 3 chị em Hạnh, Ánh, Sáng đều chịu khó và học tập tốt. Cả 3 thường xuyên nằm trong nhóm những học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của huyện Phúc Thọ, từ cấp Tiểu học đến THCS; nhiều năm liền đạt giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi ở cấp huyện và do TP Hà Nội tổ chức.
Cuối tháng 5/2022 vừa qua, hai chị em Ánh và Sáng được UBND huyện Phúc Thọ khen thưởng là học sinh giỏi tiêu biểu của huyện; chị gái Nguyễn Minh Hạnh cũng tổng kết năm học 2021 - 2022 với điểm số trung bình các môn lên tới 9,2/10,0.
“Ánh thuộc nhóm học sinh chịu khó và thông minh trong lớp. Dù có hoàn cảnh đặc biệt nhưng em luôn tươi cười, vui chơi hòa đồng và cũng thường giúp đỡ các bạn khác cùng tiến bộ…” - Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm của Ánh tại trường Tiểu học Long Xuyên cho hay.
Trong ngôi nhà còn nhiều thiếu thốn, những tấm giấy khen, vòng nguyệt quế của 3 chị em Hạnh được treo kín một góc tường. Nỗ lực vươn lên trong học tập của 3 chị em Hạnh cũng là niềm động viên, an ủi lớn đối với anh Duẩn, chị Trâm.
Hôm chúng tôi ghé thăm, chị Phan Thị Trâm đi làm vắng nhà. Gọi điện mới hay tin chị đang ở Quảng Bình. Người phụ nữ tần tảo tâm sự nhiều điều, nhưng trong câu chuyện tuyệt nhiên không trách than bất cứ điều gì. “Tôi vẫn tin ông trời không lấy đi hết của ai bao giờ. Gia đình tôi khó khăn nhiều bề nhưng bù lại cả 3 cháu đều thương yêu ông bà, bố mẹ nên ngoan ngoãn và chịu khó học hành. Vợ chồng tôi hy vọng cuộc sống sau này của các con sẽ được tốt đẹp hơn…” - chị Phan Thị Trâm chia sẻ.
Nguyễn Minh Hạnh và hai em Ánh - Sáng là những học sinh tiêu biểu của huyện trong nhiều năm qua, cũng là những tấm gương về nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập để các bạn học sinh khác cùng trang lứa noi theo. Về phía ngành GD & ĐT của huyện, sẽ tiếp tục theo dõi để kịp thời có những hỗ trợ cần thiết nhằm không để các em phải bỏ học giữa chừng.
Trưởng phòng GD & ĐT huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Cường
Hơn 18.000 suất học bổng được trao cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó
Kinhtedothi -Giải golf từ thiện Vì trẻ em Việt Nam lần thứ 15 đã trao hơn 18.000 suất học bổng, với tổng trị giá hơn 20 tỷ đồng tận tay các học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi và hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp cơ sở học tập tại 50 tỉnh, TP trên cả nước.
Công nhân giỏi Thủ đô: Vượt khó, sáng tạo
Kinhtedothi - Hà Nội là nơi tập trung khoảng 250.000 DN, với trên 2,5 triệu lao động. Các phong trào thi đua do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội triển khai thời gian qua đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc của công nhân lao động.
Trao tặng 360 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó
Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022), chiều 28/4, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Báo Quảng Trị tổ chức chương trình trao tặng 360 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó.