90 năm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Kinhtedothi - Ngày 11/11, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức trực tuyến hội thảo khoa học cấp quốc gia bằng hình thức trực tuyến với chủ đề “90 năm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam – Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2020).
Chủ trì hội thảo có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng.
Tại điểm cầu TP Hà Nội có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương. Dự hội thảo còn đại diện các ban, bộ, ngành; các đoàn thể quần chúng và hơn 400 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học. Trước khi diễn ra hội thảo, các đại biểu đã dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ và dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định: Hội thảo khoa học “90 năm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” nhằm phân tích, đánh giá khách quan, khoa học đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; vai trò của Mặt trận Dân tộc Thống nhất trong những thắng lợi vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Hội thảo cũng đúc kết và làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; đồng thời, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Hội thảo cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn, góp phần xây dựng các chương trình hành động của Mặt trận và các tổ chức thành viên.
Các tham luận tại hội thảo là những đóng góp quan trọng và thiết thực cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, cách mạng; khơi dậy, phát huy và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và củng cố MTTQ Việt Nam. Qua đó, góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu phản động của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sự thống nhất cao về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân để xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 60 tham luận của lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, lãnh đạo cơ quan Đảng, Nhà nước, lãnh đạo MTTQ Việt Nam một số tỉnh, thành phố và đại diện lãnh đạo của các tổ chức thành viên, các nhà khoa học.
Các tham luận trực tiếp tại hội thảo của các đại biểu đã tập trung khẳng định tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ trương, đúng đắn, sáng tạo của Đảng về đại đoàn kết dân tộc và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân là một bộ phận hữu cơ, tư tưởng xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng Việt Nam. Nhiều tham luận đã tập trung khẳng định vai trò, đóng góp to lớn của Mặt trận Dân tộc Thống nhất trong việc việc khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng dân tộc - nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Các đại biểu cũng tập trung đúc kết những bài học kinh nghiệm trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm xây dựng và phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Tham luận với nội dung “Chủ trương của Đảng về xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất”, GS.TS Mạch Quang Thắng - Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, trong xây dựng mặt trận, Đảng phải chú trọng hơn nữa củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy lợi ích chung làm điểm quy tụ, đồng thời phải tôn trọng các lợi ích khác biệt chính đáng.
Muốn đoàn kết lâu dài và bền chặt thì bản thân Đảng và Đảng phải hướng Mặt trận đặt lợi ích tối cao của dân tộc lên trên hết, không vì lợi ích cá nhân cũng như lợi ích nhóm dưới mọi hình thức chi phối. Trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc, những quyền lợi cơ bản của các tầng lớp nhân dân cũng được cụ thể hóa sao cho phù hợp với lợi ích dân tộc, với từng đối tượng và điều kiện thực tiễn.
Để phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng một trong những giải pháp đặt ra là Mặt trận tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, nhấn mạnh tới việc tiếp tục đề xuất thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”; mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong quyết định những vấn đề lớn của đất nước; tham gia hoàn thiện cơ chế giám sát quyền lực; nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.