APP phòng, chống Covid-19, chỉ cần một là đủ
Kinhtedothi - Không chỉ có DN công nghệ, bộ, ngành mà ngay cả các địa phương cũng lao vào “cuộc đua” ra mắt ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19. Chính sự “hỗn loạn” này đã gây ra không ít khó khăn cho người dùng trong việc tìm ra đâu là ứng dụng tốt nhất để sử dụng.
Loạn ứng dụng phòng dịch
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, khi đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, hàng loạt các ứng dụng trên điện thoại di động đã được ra đời nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cũng như đảm bảo an toàn cho người dân. Những ứng dụng này không chỉ đến từ các DN công nghệ mà còn có cả từ các bộ, ngành, địa phương. Đáng lưu ý, bên cạnh các tính năng hữu ích riêng biệt, tình trạng chung của những ứng dụng này là có nhiều tính năng tương tự nhau. Tính tới thời điểm hiện tại, đang có khoảng hơn chục ứng dụng có liên quan tới phòng chống Covid-19 được sử dụng phổ biến như Bluezone, VHD, Sổ sức khỏe điện tử, E-Vaccine, Di biến động dân cư, tokhaiyte.vn …
Hay mới đây nhất ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID nhằm phục vụ người dân rút ngắn thời gian khai báo y tế trong quá trình tham gia giao thông của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an). Ngoài ra, Việt Nam còn có tới 6 nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm: Nền tảng khai báo y tế và quản lý vào ra các địa điểm cộng cộng bằng QR Code; Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; Nền tảng quản lý lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; Nền tảng hỗ trợ truy vết; Nền tảng giám sát cách ly; Nền tảng phân tích số liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.Trên lý thuyết, việc nhiều ứng dụng được ra đời sẽ tạo cơ hội cho người dân có các lựa chọn khác nhau nhằm phù hợp với nhu cầu của bản thân. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thì hoàn toàn ngược lại, do quá nhiều về số lượng nên người dùng thực sự bị rối bởi không biết nên dùng ứng dụng nào để đảm bảo đầy đủ mục đích sử dụng. Anh Đ.K (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết do nhu cầu di chuyển lại nhiều, nên VHD là phần mềm được anh sử dụng để khai báo tại các địa điểm trong quá trình di chuyển. Tuy nhiên, đợt vừa rồi, khi ra tiêm chủng tại trạm y tế phường thì lại được yêu cầu khai báo lại bằng Bluezone. Tới lúc đó, anh K mới phát hiện ra toàn bộ lịch sử khai báo y tế được anh thực hiện trên VHD hoàn toàn không được tự động cập nhật hoặc chuyển qua Bluezone.
Mới đây, Bộ Công an lại ra thêm phần mềm VNEID, nhằm phục vụ khai báo di chuyển tương tự với VHD. Mặc dù ra mắt sau nhưng VNEID chỉ phục vụ khai báo di chuyển nội địa trong khi đó VHD có khai báo cả việc nhập cảnh. Vậy người dùng chỉ nên sử dụng VHD hay phải cài đặt cả hai ? anh K đặt câu hỏi.Còn chị N.T.T (Long Biên, Hà Nội) thì cho biết, từ đầu dịch tới giờ chị chủ yếu dùng phần mềm Bluezone vì trên các phương tiện truyền thông luôn kêu gọi đây là ứng dụng bắt buộc phải có. Nhưng tới hiện tại phần mềm này đã xuất hiện nhiều bất cập. Cụ thể, chị đã tiêm 2 mũi vaccin và được cập nhật đầy đủ thông tin trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử nhưng ở Bluezone mới chỉ… cập nhật mũi đầu tiên cách đây hơn 2 tháng.Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia công nghệ cũng nêu quan điểm đã tới lúc Việt Nam cần có một ứng dụng duy nhất để việc phòng, chống Covid-19 có thể diễn ra dễ dàng và thông suốt hơn. Giám đốc Hệ thống lập trình viên Quốc tế Aptech Chu Tuấn Anh cho rằng, ở thời điểm này cần có một cơ quan tập trung lại các tính năng cần thiết của các ứng dụng hiện nay và phát triển một phần mềm duy nhất trên một cơ sở dữ liệu duy nhất. Việc chỉ có một ứng dụng duy nhất sẽ giúp xử lý được các tình huống phát sinh trong công tác phòng, chống dịch vừa nhanh, vửa hiệu quả, cũng như giải quyết triệt để vấn đề đi lại và sức khỏe của người dân. Đồng thời, một ứng dụng dùng chung sẽ khiến người dân có thể dễ dàng sử dụng hơn, không gây ra phiền hà, ông Chu Tuấn Anh chia sẻ.Thống nhất một ứng dụng PcCovidNhận thấy việc có quá nhiều ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 sẽ gây khó khăn cho người dùng cũng như không thể thực sự phát huy hiệu quả của công nghệ trong giai đoạn hiện nay, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra yêu cầu cho Bộ TT&TT là trong thời gian sớm nhất phải có một ứng dụng chính thức duy nhất thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Theo đó, Bộ TT&TT sẽ chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế để chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tạm gọi là ứng dụng phòng, chống Covid - PcCovid. Với ứng dụng mới, tất cả những thông tin người dân khai báo trên những ứng dụng do các Bộ chỉ đạo xây dựng, triển khai trước đây sẽ được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không bắt buộc phải khai báo lại từ đầu. Đồng thời, các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.
Song song với việc phát triển ứng dụng PcCovid, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia cũng đã xây dựng xong và sẵn sàng đưa vào sử dụng nền tảng QR quốc gia. Qua đó mỗi người dân sẽ được cấp một mã QR cá nhân, mã này sẽ hiển thị thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch. Từ đó hạn chế việc phải cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau. Được biết, mỗi mã QR sẽ chứa chuỗi thông tin gồm số CMND/CCCD, họ tên, ngày sinh, mã người dùng, cùng một số thông tin mở rộng như: Giới tính, số điện thoại, mã số thẻ bảo hiểm... Nền tảng QR quốc gia sẽ là hệ thống duy nhất xác thực tính chính danh của những thông tin này. Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia Đỗ Lập Hiển cho biết: Khi các ứng dụng dùng chung một mã QR, người dân có thể sử dụng linh hoạt bất kỳ ứng dụng nào mà vẫn liên kết được với nhau, đảm bảo yêu cầu về giám sát, xác thực của cơ quan chức năng, đồng thời giúp dữ liệu đồng bộ, giảm tối đa dữ liệu rác.
Số lượng ứng dụng phòng, chống Covid-19 được sử dụng ở một số quốc gia gần Việt Nam: Indonesia có 1 ứng dụng quản lý chung các thông tin liên quan đến Covid-19 và 1 ứng dụng theo dõi di chuyển, các ứng dụng này đều kết nối với cơ sở dữ liệu chính; Thái Lan cũng chỉ sử dụng 2 ứng dụng có chức năng tương tự như Indonesia; Malaysia sử dụng 2 ứng dụng phân biệt để quản lý trong nước và người vào từ nước ngoài.
Cách đây hơn 3 tháng, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia được thành lập với sự góp mặt của nhiều công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam và có một nhiệm vụ chung là kết nối các phần mềm phòng, chống Covid-19 lại với nhau. Ở thời điểm hiện tại việc thống nhất thành một ứng dụng duy nhất là khả thi. CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng |