Bắc Giang làm việc về công tác sắp xếp đơn vị hành chính tại Lục Ngạn
Kinhtedothi-Sáng 30/10, đồng chí Nguyễn Văn Gấu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang làm việc với Huyện ủy Lục Ngạn để nắm tình hình triển khai công tác chuẩn bị phục vụ việc chia tách huyện Lục Ngạn để thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Vương Tuấn Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn cho biết, ngày 28/9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn để thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn (mới).
Cụ thể, thành lập thị xã Chũ với diện tích tự nhiên 251,55 km², tổng dân số 127.881 người, gồm 10 ĐVHC cấp xã của huyện Lục Ngạn. Thị xã Chũ khi thành lập sẽ có 5 phường: Chũ, Trù Hựu, Thanh Hải, Phượng Sơn, Hồng Giang (là khu vực nội thị) với diện tích tự nhiên 77,84 km², dân số 71.679 người. Khu vực ngoại thị gồm 5 xã: Quý Sơn, Nam Dương, Mỹ An, Kiên Lao, Kiên Thành với diện tích 173,71 km², dân số 56.202 người.
Sau khi điều chỉnh ĐVHC để thành lập thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn có diện tích tự nhiên 856,89 km², tổng dân số trên 126.600 người, với 19 ĐVHC cấp xã gồm: Phì Điền, Giáp Sơn, Đồng Cốc, Phú Nhuận, Đèo Gia, Biển Động, Tân Hoa, Kim Sơn, Biên Sơn, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Tân Sơn, Tân Quang, Tân Lập, Phong Minh, Phong Vân, Sa Lý, Sơn Hải, Tân Mộc, thôn Khuôn Rẽo xã Thanh Hải và một phần diện tích xã Phúc Sơn, huyện Sơn Động (diện tích đất Trường bắn Quốc gia Khu vực 1). Trung tâm hành chính mới của huyện đặt tại thị trấn Phì Điền.
Sau khi thành lập 2 ĐVHC cấp huyện theo Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến số lượng biên chế làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thị xã Chũ là 349 cán bộ, huyện Lục Ngạn là 354 cán bộ.
Huyện Lục Ngạn đề xuất 3 phương án bố trí trụ sở làm việc tạm thời của huyện:
Phương án 1, bố trí trụ sở các cơ quan, đơn vị của huyện Lục Ngạn và thị xã Chũ tại các trụ sở hiện có của huyện Lục Ngạn. Cụ thể, bố trí trụ sở Thị ủy - HĐND - UBND thị xã Chũ, biên chế 131 người tại vị trí nhà, đất hiện nay là trụ sở Huyện ủy, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, nhà khách UBND huyện có diện tích khuôn viên chung khoảng 7.760m², gồm 4 khối nhà, diện tích sàn sử dụng khoảng 3.375m². Các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan, đơn vị tỉnh đóng trên địa bàn thị xã Chũ giữ nguyên vị trí làm việc.
Bố trí trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Lục Ngạn, biên chế 136 người tại vị trí nhà, đất hiện nay là trụ sở HĐND, UBND huyện Lục Ngạn gồm 3 khối nhà làm việc, diện tích khuôn viên chung khoảng 5.595m² diện tích sàn sử dụng khoảng 4.133m²; các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan, đơn vị tỉnh đóng trên địa bàn huyện Lục Ngạn được sắp xếp, bố trí tại một số trụ sở cũ, hiện nay không sử dụng, riêng Công an huyện bố trí tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (cải tạo trụ sở UBND xã Giáp Sơn và trường mầm non xã Giáp Sơn (cũ).
Phương án 2, bố trí xây dựng công trình nhà làm việc tạm thời của huyện Lục Ngạn tại sân bay Non Còi, trụ sở thị xã Chũ giữ nguyên trụ sở hiện có của huyện Lục Ngạn.
Phương án 3, bố trí các cơ quan đầu não của huyện Lục Ngạn (mới) tại trụ sở thị trấn Chũ, các đơn vị còn lại bố trí ở vị trí khác, trong đó có trụ sở UBND huyện Lục Ngạn hiện nay.
Huyện ủy Lục Ngạn đề nghị cho phép thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới được triển khai Đại hội điểm cấp xã vào đầu tháng 4/2025 để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chuẩn bị Đại hội điểm. Quan tâm bố trí, sắp xếp các đồng chí cán bộ luân chuyển của huyện Lục Ngạn về các cơ quan huyện Lục Ngạn (mới), thị xã Chũ.
Đồng thời tỉnh có hướng dẫn cụ thể trong triển khai thực hiện các nội dung như: xây dựng đề án, quyết định thành lập các cơ quan, đoàn thể cấp huyện... nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định và lộ trình đề ra. UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ tu sửa cơ sở vật chất trụ sở làm việc của huyện Lục Ngạn (mới) tạm thời, bảo đảm các điều kiện để bộ máy hành chính mới hoạt động từ ngày 1/1/2025.
Về công tác chuẩn bị đầu tư trụ sở làm việc huyện Lục Ngạn mới tại xã Phì Điền, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét cập nhật bổ sung Trung tâm hành chính huyện Lục Ngạn vào bản đồ khoanh vùng đất đai theo quy hoạch tỉnh đã được điều chỉnh tại Quyết định số 1279/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xem xét bổ sung danh mục các dự án khu trung tâm hành chính huyện Lục Ngạn mới vào Kế hoạch đầu tư công của tỉnh...
Trên cơ sở đó, UBND huyện Lục Ngạn sẽ tập trung đầu tư xây dựng trung tâm hành chính huyện Lục Ngạn (mới), phấn đấu đưa các công trình chính đi vào hoạt động từ 1/1/2027, đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu của đơn vị hành chính mới.
Thảo luận tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ban, ngành đưa ra những thuận lợi, khó khăn khi triển khai các phương án; đa số các đại biểu cho rằng lựa chọn phương án 1 sẽ phù hợp vì sẽ tận dụng được cơ sở vật chất hiện có, thuận lợi hơn về thủ tục đầu tư sửa chữa. Đại biểu đề nghị huyện Lục Ngạn khẩn trương phối hợp với UBND huyện Yên Dũng rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện để chuyển lên huyện Lục Ngạn (mới).
Với phương án 2, sẽ mất nhiều thời gian, chi phí và gặp vướng mắc về thủ tục, tính pháp lý trong đầu tư xây dựng, quy hoạch; việc xử lý tài sản công sau khi di chuyển từ trụ sở tạm đến trụ sở chính phức tạp.
Ngoài ra, một số đại biểu có ý kiến đề nghị địa phương có thể nghiên cứu thêm phương án số 3 để bảo đảm sự độc lập của ĐVHC cũng như hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội. Cùng với đó, sớm triển khai phương án xây dựng trụ sở làm việc của huyện Lục Ngạn (mới), đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2031.
Đối với đề xuất, kiến nghị của huyện Lục Ngạn về công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ điểm cấp xã, đồng chí Tống Ngọc Bắc - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, do tình hình, đặc điểm chia tách địa giới hành chính của Lục Ngạn và thị xã Chũ nên tỉnh có thể xem xét lùi lại thời gian tổ chức theo đề xuất của địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Mai Sơn - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, phương án 1 là phương án tối ưu hơn. Quá trình cải tạo, sửa chữa phải bảo đảm các điều kiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong thời gian này, các cấp, các ngành cần tập trung cao công tác tuyên truyền để Nhân dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ mặt tích cực của việc sắp xếp ĐVHC này để cùng chia sẻ, ủng hộ, đồng thuận. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra công vụ, tập trung giải quyết công việc, bảo đảm không ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng chí giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các quy định hiện hành đề xuất, điều chỉnh quy hoạch huyện Lục Ngạn theo thẩm quyền.
Kết luận buổi làm việc, trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu thống nhất lựa chọn trụ sở làm việc tạm thời của huyện Lục Ngạn mới theo phương án 1.
Đồng chí nhấn mạnh, việc bố trí trụ sở làm việc của thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn (mới) chỉ là một phần việc trong tổng thể kế hoạch triển khai các nhiệm vụ sắp xếp địa giới hành chính. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cần ưu tiên tập trung cao nhất để bảo đảm cơ sở vật chất cho bộ máy lâm thời của cả hai ĐVHC bước đầu hoạt động theo đúng thời gian Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định.
Bí thư Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chịu trách nhiệm chính lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan, địa phương liên quan xây dựng phương án, bố trí nguồn lực, phân công cán bộ và tập trung chỉ đạo thực hiện. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lục Ngạn chịu trách nhiệm triển khai thực hiện bảo đảm hoàn thành phương án đề ra. Tuyệt đối không cho phép có tư tưởng đây là nhiệm vụ, phần việc để lại cho bộ máy của huyện Lục Ngạn (mới). Sớm xây dựng phương án tổng thể, chi tiết, từng cơ quan, từng phòng, ban bố trí ở đâu, dự kiến vị trí, trang thiết bị bố trí cho từng cán bộ.
Cùng với việc bố trí trụ sở lâm thời cho huyện Lục Ngạn (mới), Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Lục Ngạn phối hợp, có phương án cụ thể về trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị ngành dọc quản lý (Công an, Quân sự, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, thuế, bảo hiểm,...). Đồng thời, khẩn trương thực hiện các thủ tục, trình tự theo quy định để bố trí kinh phí phục vụ sửa chữa, mua sắm, lắp đặt thiết bị làm việc. Chỉ đạo rà soát, thống kê, có phương án xử lý đối với trang thiết bị của huyện Yên Dũng. Quan tâm nghiên cứu bố trí nơi ăn, nghỉ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở xa để yên tâm công tác. Chú trọng công tác cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo triển khai ngay việc rà soát, tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch để triển khai xây dựng trụ sở huyện Lục Ngạn (mới) gắn với tính toán lộ trình đầu tư công. UBND tỉnh Bắc Giang có thể thành lập tổ công tác để tập trung cao nhất nhân lực phục vụ việc chuẩn bị trụ sở làm việc lâm thời cho huyện Lục Ngạn (mới); cần thiết có thể thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm sớm có trụ sở cho bộ máy lâm thời của cả 2 ĐVHC hoạt động.
Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang và các đồng chí trong Đoàn công tác của tỉnh đã đến khảo sát vị trí dự kiến xây dựng công trình nhà làm việc tạm thời của huyện Lục Ngạn (mới) tại sân bay Non Còi và vị trí dự kiến sửa chữa Trường Mầm non Giáp Sơn (cũ) làm trụ sở Công an huyện Lục Ngạn (mới).
Bắc Giang: bắt 2 đối tượng cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Kinhtedothi-CSĐT Công an huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng về tội “Cướp giật tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1279/QĐ-TTg ngày 28/10/2024 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bắc Giang triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Kinhtedothi- Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Giang vừa triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.