Hội thảo văn hoá năm 2022
Bàn thảo các giải pháp khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hoá
Kinhtedothi –Sáng 17/12, Ủy ban VHGD của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTT&DL, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo văn hoá năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá”.
Tham dự chương trình có các Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; lãnh đạo Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Tỉnh ủy Bắc Ninh cùng 800 đại biểu tham dự trực tiếp.
Hội thảo gồm 2 phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có 1 báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia (phần thảo luận với hình thức trao đổi, thảo luận bàn tròn).
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hoá, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, thể hiện rõ trong nhiều văn kiện quan trọng kể từ khi Đảng được thành lập tới nay.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân nên chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiên, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế.
Kế thừa thành công, kinh nghiệm của các diễn đàn, hội thảo trước đây; với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” của Quốc hội; nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất tổ chức Hội thảo về chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Hội thảo hôm nay sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của các đại biểu, đóng góp cho thành công của Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn, gợi ý nội dung thảo luận Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Hội thảo dịp để các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực văn hoá và lĩnh vực khác thảo luận, tìm kiếm các giải pháp xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách nhằm huy động, khơi thông và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nền văn hoá, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hội thảo hôm nay là dịp để nhận diện rõ hơn không chỉ những thành tựu hết sức tự hào đã đạt được mà cả những hạn chế, bất cập trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hoá, con người Việt Nam những năm qua.
Đặc biệt, với cách tiếp cận mới về vai trò của văn hoá trong phát triển, các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực cho phát triển văn hóa vẫn chưa được kết nối đồng bộ với các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và chưa đặt trong sự phát triển tổng thể, hài hoà nhưng có trọng tâm, trọng điểm của phát triển quốc gia, của các vùng miền và các địa phương trong cả nước.
Trước yêu cầu đó đòi hỏi các chủ trương, chính sách phải giải quyết thật tốt, có hiệu quả những mối quan hệ biện chứng cơ bản, phản ánh sâu sắc quy luật phát triển của văn hoá Việt Nam trong tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đất nước, đó là cần phải xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; Kết nối linh hoạt giữa quốc gia và quốc tế; Kết nối giữa truyền thống và hiện đại; Phát huy vai trò của văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa.
Trong sáng nay, các đại biểu tham luận về các nội dung gồm:
- "Chủ trương, đường lối của Đảng và một số định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nên văn hoá Việt Nam "dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học" của Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa.
- "Giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá trong xây dựng nông thôn mới, thêm một góc nhìn về một nông thôn đáng sống" của Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.
- "Định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp âm nhạc và điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh" của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức.
- "Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số: Thực trạng và giải pháp" của Y Thanh Hà Nie K'Đăm Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
- "Đánh giá tình hình triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hoá từ năm 2016 đến nay" của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc.
- "Chính sách và nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống ở tình Thừa Thiên Huế" của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
- "Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hoá, nghệ thuật: Thực trạng và giải pháp" của PGS. TS Đinh Công Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.
Tiếp đó, phần thảo luận, các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận bàn tròn và một số đại biểu phát biểu ý kiến.
Biểu chiều, Hội thảo tiếp tục diễn ra phiên toàn thể.
Hội thảo Văn hóa 2022 tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn 5 nhóm vấn đề:
- Bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và phát triển văn hoá.
- Đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hoá phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương.
- Chú trọng chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá.
- Chú trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá phát triển.
- Xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa.
Hà Nội có nhiều dư địa phát triển công nghiệp văn hoá
Kinhtedothi - Sáng 16/8, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.
Tạo động lực để phát triển công nghiệp văn hoá
Kinhtedothi -Việc đầu tư cho di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long đã được TP quan tâm từ lâu và đặc biệt khi Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa được ban hành. Nhiều dự án bảo tồn, phát huy nguồn tài nguyên văn hóa được triển khai rõ nét.
Gần 500 đại biểu tham gia Hội thảo về hệ giá trị Việt Nam
Kinhtedothi - Sáng 22/11, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí thông tin về hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới".