Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Bất động sản công nghiệp lên ngôi nhờ dòng vốn FDI ổn định

Kinhtedothi - Với mục tiêu đón sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, dự báo nhu cầu thuê đất công nghiệp sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay. Trước bối cảnh các thủ phủ công nghiệp cũ dần lấp đầy sẽ tiếp tục khiến giá thuê đi lên, một số dự án đã nổi lên

Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào 2018 và từ đó đến 2022, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 13%, từ 69% còn 56% tổng xuất khẩu từ các nước kém phát triển ở châu Á (bao gồm cả Ấn Độ) sang Mỹ. Việt Nam đã có được khoảng một nửa thị phần xuất khẩu giảm của Trung Quốc, qua đó tăng thị phần xuất khẩu của Việt Nam trong các nước kém phát triển ở châu Á sang Mỹ từ 6% năm 2018 lên 13% vào 2022

Việt Nam hứa hẹn vẫn sẽ duy trì được dòng vốn FDI ổn định trong thời gian tới

 

Có thể nói, Việt Nam là quốc gia nhận được nhiều lợi ích nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bởi ba thế mạnh quan trọng đã thúc đẩy các khoản đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, từ đó dẫn đến việc xuất khẩu tăng mạnh. Đầu tiên và quan trọng nhất, mức lương tại các nhà máy ở Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc, trong khi năng suất làm việc của nguồn nhân lực hai quốc gia tương đương nhau theo các cuộc khảo sát của JETRO và các tổ chức khác. Tiếp theo, Việt Nam có vị trí địa lý gần kề với chuỗi cung ứng ở châu Á, đặc biệt là thuận tiện cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.

Cuối cùng, Việt Nam có được nhiều thuận lợi từ hiện tượng “Friendshoring”, trong đó các công ty đa quốc gia có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các quốc gia có ít rủi ro trong việc chịu mức thuế cao đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ. Sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một điểm đến đầu tư “Friendshoring” đã tăng đáng kể trong năm nay sau chuyến thăm Việt Nam của ông Antony Blinken cũng như phái đoàn lớn nhất từ trước đến nay gồm các công ty hàng đầu của Mỹ. Cả hai sự kiện này đều diễn ra sau cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden với ông Nguyễn Phú Trọng.

Tiềm năng lớn cho sự tăng trưởng của bất động sản công nghiệp Việt Nam

Việt Nam là điểm đến lý tưởng trong chiến lược Trung Quốc +1 của các nhà đầu tư nước ngoài

Ngay sau khi mở cửa trở lại sau dịch, những nhà đầu tư và khách hàng quốc tế đã nhanh chóng sắp xếp các cuộc khảo sát vị trí, ký kết biên bản ghi nhớ (MOU), hợp đồng thuê và các thỏa thuận mua bán. Điển hình là việc gã khổng lồ Foxconn đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất tại Bắc Giang. Với kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại đây, Foxconn đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc tập đoàn này nghiên cứu thuê lại 50,5 ha đất tại khu công nghiệp Quang Châu để mở rộng quy mô, với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD. Sau đó, Samsung cũng nâng tổng mức đầu tư vào Việt Nam lên 20 tỉ USD, tập trung phát triển các nhóm ngành về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data).

Quý 4/2022, thị trường đã ghi nhận một số giao dịch nổi bật. Tại phía nam, Matsuya R&D (Nhật Bản) đã đầu tư thêm khoảng 6,7 triệu USD vào dây chuyền sản xuất tại khu công nghiệp Hố Nai (tỉnh Đồng Nai). Thêm vào đó, Giant Manufacturing (Đài Loan), tập đoàn nổi tiếng với các lĩnh vực kinh doanh và sản xuất xe đạp và phụ tùng xe đạp, đã đầu tư thêm 13 triệu USD tại khu công nghiệp VSIP 2 (tỉnh Bình Dương). Tại phía bắc, giao dịch nổi bật có thể kể đến việc Taihan Precision Technology đầu tư 5,3 triệu USD tại Cẩm Giàng, Hải Dương.

Mới đây, sự kiện phái đoàn 52 doanh nghiệp Mỹ như Boeing, Coca - Cola, Meta, SpaceX, Netflix, Apple… đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hợp tác đã cho thấy niềm tin của các tập đoàn quốc tế vào Việt Nam. Từ đó, thể hiện tiềm năng của Việt Nam trở thành bến đỗ, trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ hay các ngành công nghiệp có giá trị cao.

Bất động sản vẫn là ngành đứng thứ 2 trong số các ngành có lượng đầu tư FDI lớn nhất với tổng vốn đầu tư trong 3 tháng đầu năm đạt 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 71,6% so với cùng kỳ. Các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi thu hút vốn đầu tư tăng hơn so với cùng kỳ, xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 276 triệu USD (tăng gấp 2 lần cùng kỳ) và gần 151 triệu USD (tăng 37%).

Có nhận định cho rằng, đầu tư FDI năm 2023 có sự chậm lại do suy thoái kinh tế. Tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam có thể duy trì nguồn cầu từ nhà đầu tư nhờ các lợi thế về lao động, dân số, sự phát triển cơ sở hạ tầng, ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Tìm kiếm nguồn cung đất công nghiệp tại Việt Nam - bài toán mới của các doanh nghiệp FDI

Tuy nhiên, hiện nay việc tìm kiếm nguồn cung đất công nghiệp đang trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp, khi tỉ lệ lấp đầy ở các KCN luôn đạt mức cao. Tại một số tỉnh phía Nam như Bình Dương hay Đồng Nai, tỉ lệ lấp đầy luôn đạt mức trên 95%. Còn phía Bắc, các tỉnh có thị trường BĐS công nghiệp phát triển như Bắc Giang và Hải Dương đều có nguồn cầu cao với tỉ lệ lấp đầy từ 96% - 99%.

Trong tình hình nguồn cung các khu công nghiệp hiện nay dần được lấp đầy thì năm 2021, Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 6 khu công nghiệp mới với tổng diện tích gần 1.135 ha nằm ở các huyện: Cẩm Giàng, Gia Lộc, Bình Giang, Nam Sách và Kim Thành. Đây là nguồn dư địa lớn trong thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Dự án KCN Kim Thành nằm tại vị trí đắc địa trên tuyến đường trục chính Bắc – Nam và Quốc lộ 5A

Trong đó, khu công nghiệp Kim Thành do COMA 18 làm chủ đầu tư đang là điểm sáng tại tỉnh này khi nằm ở vị trí đắc địa trên mặt đường quốc lộ 5A và cách cảng Hải Phòng 30km, nằm cách quốc lộ 5B 2km và cách thủ đô Hà Nội chỉ 80km. Với quy mô 165ha và tổng mức đầu tư khoảng 2000 tỉ, Kim Thành được định hướng thu hút doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, chế tạo máy cơ khí chính xác, sản xuất hàng gia dụng, điện, điện tử... với hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch. 

Kim Thành dự kiến sẽ là tổ hợp công nghiệp - thương mại - dịch vụ sầm uất, hứa hẹn trở thành một điểm thu hút làm nổi bật tỉnh Hải Dương. Khu công nghiệp Kim Thành không chỉ là một khu sản xuất công nghiệp hiện đại mà còn là một khu phức hợp bao gồm các tiện ích như trung tâm thương mại, siêu thị, ngân hàng, bưu điện, bệnh viện, trường học, nhà hàng, khách sạn và phố chuyên gia. Đây sẽ là một không gian sống và làm việc hoàn hảo cho các nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động và gia đình của họ. Ngoài ra, khu công nghiệp Kim Thành còn có khả năng liên kết với các khu dân cư xung quanh để tạo ra một khu vực phát triển toàn diện và bền vững. Kim Thành sở hữu nhiều tiềm năng để trở thành một trong những dự án nổi bật đi theo hướng khu công nghiệp xanh thân thiện với môi trường, trong bối cảnh phát triển bền vững đang là kim chỉ nam khi các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn điểm dừng chân tại thị trường Việt Nam.

 

Bản tin tổng hợp xây dựng – bất động sản từ ngày 22 – 28/5

Bản tin tổng hợp xây dựng – bất động sản từ ngày 22 – 28/5

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Thị trường bất động sản bấn loạn, tăng giá khó kiểm soát

Thị trường bất động sản bấn loạn, tăng giá khó kiểm soát

06/01/2025 | 18:08

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) hiện đang trải qua một giai đoạn biến động mạnh mẽ tại nhiều khu vực, với tình trạng tăng giá khó kiểm soát. Đáng nói là thực tế thị trường lại chưa thực sự sôi động nhưng có dấu hiệu giao dịch ảo.

Tin tài trợ