Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Bí thư Hoàng Trung Hải: Phải kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ yếu kém

Kinhtedothi - Sáng 11/7, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đã chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 15 ngày 4/7/2017 và Kế hoạch số 51 thực hiện Nghị quyết “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”.

Không để diễn biến thành điểm nóng
Theo đánh giá trong những năm qua, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Thường vụ Thành ủy. Nhờ đó, hệ thống chính trị ở cơ sở đã phát huy tốt vai trò trong việc tổ chức, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát hiện, giải quyết, tháo gỡ và xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh trên địa bàn, trong dư luận, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân.
Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, trên địa bàn TP vẫn còn có khoảng 200 vụ việc phức tạp ở các mức độ khác nhau trên địa bàn hơn 100 xã, phường, thị trấn cần được quan tâm, giải quyết. Từ thực tiễn đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 15-NQ/TU, ngày 4/7/2017 nhằm cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Chương trình số 01 đối với TCCSĐ và hệ thống chính trị cấp cơ sở xã, phường, thị trấn.
Toàn cảnh Hội nghị.
Nghị quyết 15 nêu rõ yêu cầu, cùng với yêu cầu tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của các cấp ủy và tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ TP thì trọng tâm hiện nay là xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, củng cố TCCSĐ yếu kém.

Kiểm soát tốt tình hình ở cơ sở, kiên quyết không để diễn biến thành điểm nóng, đồng thời không để phát sinh các vụ việc phức tạp mới. Các cấp ủy Đảng chỉ đạo rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Chương trình số 01 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI, bảo đảm chất lượng các chỉ tiêu về xây dựng TCCSĐ chương trình đã đề ra.

Nghị quyết 15 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, ngoài những giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu, Thành ủy Hà Nội chỉ rõ phải phát huy dân chủ trong Đảng, đi đôi với thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng.

Đối với các địa bàn có những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về ANCT-TTATXH, Ban Thường vụ cấp ủy trên cơ sở rà soát nắm chắc tình hình, phân loại theo vụ việc theo tính chất, mức độ ảnh hưởng đến tình hình ANCT-TTATXH; đánh giá thực chất về năng lực lãnh đạo của cấp ủy cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; dự báo tình hình, đề ra đường lối lãnh đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp chặt chẽ giữa công tác bảo đảm an ninh trật tự, công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại, giải quyết khiếu nại tố cáo; tập trung giải quyết thỏa đáng những vấn đề dân sinh bức xúc thuộc thẩm quyền, nhất là những vấn đề liên quan đến đại bộ phận người dân trên địa bàn, làm tăng niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, từ đó từng bước giải quyết có hiệu quả những vụ việc phức tạp, nhạy cảm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp rất nhiều ý kiến khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 15, đồng thời thể hiện quyết tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả các nội dung Nghị quyết 15 và Kế hoạch 51; từng bước củng cố TCCSĐ, nhất là TCCSĐ yếu kém gắn với giải quyết có hiệu quả những vấn đề dân sinh bức xúc, vấn đề phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại xã, phường, thị trấn của TP, tạo sự phát triển ổn định và bền vững của Thủ đô.

Cán bộ yếu kém, phải kiên quyết thay thế

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu các cấp, các ngành bám sát 7 nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết số 15; mục đích, yêu cầu, tiến độ và phân công thực hiện nêu trong Kế hoạch số 51 của Ban Thường vụ Thành ủy, tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết. Căn cứ tình hình thực tiễn từng TCCSĐ và yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời điểm cụ thể, cấp ủy các cấp chỉ đạo thực hiện cùng lúc hoặc ưu tiên thực hiện những nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Bí thư Thành ủy lưu ý, các cấp ủy cần tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo; tập trung hướng về cơ sở; làm tốt công tác dự báo và giải quyết kịp thời những vi phạm, tiêu cực là mầm mống gây mất ổn định tại địa phương như quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, đơn thư khiếu nại, tố cáo... Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải quan tâm tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, nhân dân, để điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thường xuyên, chú trọng nâng cao chất lượng công tác dân vận, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng là giải pháp rất quan trọng, phải luôn đi trước một bước, đổi mới phương pháp; nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và thời điểm cụ thể; giúp cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc, xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời có tác dụng ngăn ngừa sai phạm; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trong tất cả mọi trường hợp, cấp ủy phải chỉ đạo việc chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời cung cấp những thông tin, định hướng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân, nhất là ở những địa bàn có các vụ việc phức tạp. Cùng với đó, phải nâng cao hoạt động, chất lượng và hiệu quả của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, phản động, ngăn chặn kịp thời hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị, nhất là trên mạng xã hội.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu, cấp ủy cấp trên cơ sở phải thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, cơ cấu cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở cơ sở theo quy định; có kế hoạch kịp thời củng cố những TCCSĐ yếu kém; khắc phục ngay biểu hiện hình thức trong đánh giá chất lượng TCCSĐ, đánh giá cán bộ. Đối với những địa bàn đã phát sinh phức tạp, nếu có nguyên nhân do cán bộ yếu kém về bản lĩnh chính trị, năng lực công tác và phẩm chất, đạo đức thì phải kiên quyết xử lý, thay thế. Những địa bàn đặc biệt phức tạp cần quan tâm có giải pháp tập trung, khi cần thiết thì có phương án đặc thù về cán bộ ở những địa bàn này.

"Giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ, giải pháp, vừa là thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và hệ thống chính trị ở cơ sở. Giải quyết những vấn đề dân sinh, bức xúc, phức tạp là công việc khó khăn, công phu, là nhiệm vụ tất yếu phát sinh trong quá trình vận động phát triển xã hội, nhất là đối với vị trí của Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, đang trong quá trình đô thị hóa, phát triển mạnh mẽ", Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ