Bình Phước: Nước thải đen ngòm, bốc mùi nồng nặc từ trại heo chảy ra suối
Kinhtedothi - Nước thải đen ngòm, hôi thối từ trại heo ông Sáu Minh chảy ra suối Sa Cát, khiến nguồn nước suối nơi đây bị ô nhiễm nặng. Từ phía thượng nguồn, dòng nước suối ô nhiễm này đã đổ thẳng ra hồ quốc gia Phước Hòa.
"Tôi làm đúng tiêu chuẩn đàng hoàng"
Sau khi nhận phản ánh từ bạn đọc, phóng viên đã tiếp cận trại heo Sáu Minh (ấp 10, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) để ghi nhận sự việc. Cụ thể, nước thải màu đen có mùi hôi tanh nồng nặc từ hệ thống trại heo rộng hàng nghìn m2 của ông Sáu Minh chảy ra môi trường.
Tại hiện trường, một vòi “rồng” ngóc lên cao chừng 1,5 mét, đường kính khoảng 20 cm, nước đen như “mực” ào ào liên tục tuôn chảy huống hố (tạm gọi là hố số 1 – PV), bọt trắng khắp mặt hố. Nước thải từ hố số 1 lại chảy qua một hố khác, ngay bên cạnh (tạm gọi là hố số 2 – PV), nước từ hố này lại ùn ùn chảy ra suối, màu nước cũng đen “như mực”.
Điều đáng nói, cả hai hố trên đều nằm ngay cạnh suối Sa Cát, chỉ được đào và đắp bằng đất rất sơ sài, không có biện pháp gia cố chống sạt lở, hay ngăn nước thải thấm ra ngoài, cũng không hề lót bạt và mái che. Vì vậy, không cần xả, nước từ 2 hố này sẽ tự chảy tràn ra suối.
Vì nằm ở thượng nguồn nên nước từ suối này mang theo “vị phân heo” của trại heo Sáu Minh chảy ra hồ quốc gia Phước Hòa - hồ liên thông với hồ Dầu Tiếng, là nơi cung cấp nguồn nước dân sinh cho nhiều tỉnh, thành trong khu vực, như: TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An.
Trao đổi với chủ trại heo, ông Sáu Minh cho biết, nước màu đen phóng viên phản ánh là nước từ trong hầm Biogas của trại heo chảy ra 2 hầm xử lý, xong mới chảy ra suối. “Nước phân heo, phân chuồng không thải xuống suối thì thải đi đâu. Tôi làm đúng tiêu chuẩn. Không có trại nào mà không thải ra suối, nếu có anh chỉ tôi coi” – ông Sáu Minh nói.
Lời ông chủ trại heo nói, 2 hầm nước thải nói trên là 2 hầm xử lý, nhưng theo quan sát tại thời điểm phóng viên tác nghiệp không hề thấy dấu hiệu nào thể hiện 2 hầm này là dùng để xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Chỉ đơn thuần là 2 hồ chứa nước bằng đất rất sơ sài và cứ thế thải ra suối.
Trại heo không phép, không đánh giá tác động môi trường?
Liên hệ điện thoại với Chủ tịch UBND phường Minh Hưng Nguyễn Tiến Lạc để tìm hiểu vụ việc, nhưng ông Lạc không nghe máy. Chúng tôi liên lạc với ông Đạt - cán bộ phụ trách địa chính môi trường phường Minh Hưng, người này cho biết đang bận việc riêng và hướng dẫn phóng viên liên lạc với cán bộ phụ trách tên Hiền.
Theo đó, ông Hiền cho biết, trại heo của ông Sáu Minh lúc trước đây đăng ký chăn nuôi theo hình thức hộ gia đình. "Tôi nghĩ rằng, chắc trại heo này không có giấy phép. Còn hồ sơ liên quan lĩnh vực môi trường thì Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp. Nếu trại heo có giấy phép và được đánh giá tác động mội trường...thì trước lúc hoạt động sẽ được niêm yết một bộ hồ sơ tại phường, nhưng phường chưa thấy" - ông Hiền nói.
Tiếp đó, chúng tôi đã phản ánh và cung cấp thông tin này đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước, ông Võ Văn Dinh - Phó Giám đốc Sở cho biết: "Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ phóng viên, Sở đã chuyển hồ sơ vụ việc xuống cơ quan chức năng địa phương, vì đây là trường hợp thuộc địa phương quản lý".
Sáng 19/4, phóng viên lại tiếp tục có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thu Trang - Phó Chủ tịch UBND phường Minh Hưng. Sau khi phóng viên cung cấp nhiều hình ảnh, clip trại heo xả thải ra suối, bà Trang cho biết: "Chị tham gia lớp học cao cấp chính trị mới về sáng nay. Vừa qua, có nhận được thông tin phóng viên phản ánh và đã cho người kiểm tra, nhưng vừa mới về nên chưa nắm lại được thông tin, chưa kịp nghe anh em báo cáo. Phóng viên cần nội dung thông tin gì liên quan đến vụ việc có thể gửi lại câu hỏi bằng văn bản, UBND phường sẽ cung cấp sau. Nếu chủ trại heo vi phạm phường sẽ xử lý hoặc đề xuất lên thị xã xử lý ".
Báo Kinh tế và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.
Bình Phước: Công trình thủy lợi quốc gia hồ Phước Hòa đang bị xâm lấn
Kinhtedothi - Là công trình thủy lợi cấp quốc gia, hồ Phước Hòa cung cấp nguồn nước cho nhiều tỉnh, thành trong khu vực. Hiện đang là cao điểm mùa khô, mực nước xuống rất thấp, hồ thủy lợi phần thuộc địa phận xã Nha Bích (thị xã Chơn Thành, Bình Phước) đang bị lấn chiếm, xâm hại.
Bình Phước: Để trái điều thật sự là “trái điều vàng”
Kinhtedothi - Bình Phước là thủ phủ cây điều của Việt Nam, cùng với cây cao su là hai loại cây trồng chủ lực, là mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Song, có một thực tế, trong khi thu hoạch trái điều, người ta chỉ lấy hạt, còn lại quả điều bị vứt bỏ như phế phẩm.
Bình Phước: Hồ Cầu 38 huyện Bù Đăng bị xâm hại nghiêm trọng
Kinhtedothi - Vừa qua, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về tình trạng đào bới, san lấp, xây dựng không phép... lấn hồ Cầu 38. Ngay sau đó, chính quyền cơ sở đã vào cuộc xử lý, tuy nhiên chưa xong chỗ này, lại “lòi” vi phạm nơi khác.