Bộ NN&PTNT nói gì về mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD trong năm 2023?
Kinhtedothi - Đối diện nhiều khó khăn, xuất khẩu nông sản những tháng đã qua của năm 2023 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 54 tỷ USD được Bộ NN&PTNT đánh giá là khả quan.
Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ tổ chức sáng 3/7, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Vũ Văn Việt cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp phát triển trong bối cảnh nhiều khó khăn. Chuỗi cung ứng đứt gãy; tổng cung - cầu bị ảnh hưởng. Cùng với đó là tác động của lãi suất, lạm phát, chiến tranh Nga - Ukraine, biến đổi khí hậu…
Mặc dù vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, ngành nông nghiệp vẫn ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 24,59 tỷ USD. Trong đó có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm và sản phẩm gỗ.
Với 24,59 tỷ USD, tổng giá trị xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2023 bị giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Dù sụt giảm nhưng tỷ trọng xuất khẩu nông sản đã tăng dần qua từng tháng. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp Việt Nam những tháng đã qua của năm 2023 đạt 3,07%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (2,78%).
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng thời gian tới sẽ có một số yếu tố thuận lợi, hỗ trợ cho tăng trưởng. Nguồn cung, chuỗi cung ứng toàn cầu bớt căng thẳng. Lạm phát đang được kiểm soát. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng giảm…
Phát biểu tại cuộc họp sáng 3/7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt từ 54 - 55 tỷ USD. Mục tiêu này là khả quan; tuy nhiên để đạt được, cần thực hiện các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của cả năm.
Đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đánh giá, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với những ưu đãi về thuế quan sẽ tiếp tục giúp cho hàng hoá của Việt Nam cạnh tranh hơn, dự báo sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành hàng nông sản cần tận dụng tốt các FTA.
Về phía Bộ NN&PTNT, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến những thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng; các thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ La tinh, Đông Âu; các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát, có tăng trưởng khả quan như ASEAN...
Phát triển 'nóng" các loại nông sản ở Tây Nguyên: Đâu là giải pháp?
Dù có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, song nông dân Tây Nguyên còn sản xuất tự phát, thiếu sự liên kết, chạy theo giá cả thị trường nên ồ ạt phát triển "nóng".
Hà Nội: Xây dựng hướng đi riêng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn
Ông Nguyễn Mạnh Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc áp dụng công nghệ đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Đặc biệt là từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người dân nông thôn Thủ đô...
Quảng bá hơn 100 sản phẩm nông sản an toàn tới người tiêu dùng Thủ đô
Kinhtedothi - Ngày 25/6, Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Nội (Hội Nông dân TP Hà Nội) tổ chức khai mạc phiên giao dịch giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn năm 2023.