Ông Nguyễn Khắc Lợi – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 04/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội đã có những lý giải cho sự chậm chễ cũng như quá trình triển khai bộ quy tắc này trong tương lai với Kinh tế & Đô thị.
Thu hẹp phạm vi xây dựng
Trước hiện tượng còn thiếu văn hóa trong cách hành xử nơi công cộng, người dân Thủ đô mong mỏi Hà Nội đưa ra được những quy định chung về ứng xử. Nhưng dường như họ phải chờ đợi quá lâu khi nghiên cứu 6 - 7 năm rồi, vậy mà QTƯX vẫn chưa được ban hành. Ông có thể cho biết lý do vì sao có sự chậm chễ này?
- Thời gian đầu, đơn vị nghiên cứu đã muốn ôm đồm xây dựng bộ QTƯX cho tất cả các đối tượng, phạm vi trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, trọng tâm là xây dựng phong cách ứng xử của người Hà Nội bằng nhiều giải pháp khác nhau. Chính vì vậy, Sở VH&TT đã tập trung tham mưu ở các khu vực công cộng, nơi vui chơi giải trí, đặc biệt là bến tầu, bến xe, bảo tàng, thư viện, khu vực tâm linh, khu vực buôn bán như siêu thị, nhà hàng… Việc thu hẹp phạm vi triển khai sẽ giảm tránh được sự trùng lắp, hoặc những quy tắc khó hiểu. Do có sự thay đổi trong cách tiếp cận đối tượng triển khai nên thời gian xây dựng bộ QTƯX dài hơn so với dự kiến.
Đến nay, bộ QTƯX cơ bản hoàn thành khu vực công cộng. Còn khu vực thứ 2 là các đơn vị, cơ quan, trường học, bệnh viện… sẽ cố gắng thực hiện xong trong năm 2017.
Như vậy là bộ QTƯX này đã được xây dựng xong?
- Việc xây dựng Bộ QTƯX đã được đặt ra từ lâu và được xây dựng khá công phu. Đến thời điểm này, việc xây dựng đã hoàn tất chờ UBND TP Hà Nội ban hành vào một thời điểm thích hợp.
Dự kiến, khoảng bao lâu nữa bộ QTƯX có thể áp dụng vào thực tế?
- Bộ QTƯX chưa chính thức ban hành nhưng đã triển khai trong thực tế để đúc kết bằng văn bản, bằng những bộ khung trong hệ QTƯX. Chúng tôi không xây dựng quy tắc theo hình thức văn bản áp vào đời sống mà ngược lại. Hiện nay, Ban chỉ đạo đã có kế hoạch triển khai. Trước hết sẽ thông qua về mặt hành chính, sau đó khai thác phương thức khác như tuyên truyền, hệ thống giáo dục, triển khai trên tất cả các lĩnh vực. Thời gian đầu bộ QTƯX sẽ triển khai thí điểm tại một số địa điểm nhất định, mỗi khu vực sẽ thí điểm 1 - 2 địa điểm tại tất cả các khu vực, nhưng sẽ là các điển hình. Rút kinh nghiệm từ việc cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng thì sẽ lấy các đơn vị để đăng ký. Chẳng hạn như đăng ký thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử tại Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, người quản lý khu vực đó sẽ phải là người tuyên truyền hướng dẫn và đề xuất triển khai. Dựa trên bộ khung QTƯX do Sở VH&TT xây dựng, các khu vực, đơn vị sẽ tự xây dựng cho mình những tiêu chuẩn riêng để phù hợp với đặc thù từng đơn vị, trên cơ sở đó nhân rộng dần ra thì mới ngấm vào cuộc sống được. Nếu chúng ta áp đặt cho tất cả các đơn vị một quy định thì quy tắc ấy sẽ bật khỏi cuộc sống.
Thay đổi ứng xử từ lễ hội
Trong quá trình thực hiện QTƯX, ngành văn hóa sẽ giữ vai trò gì, liệu có xây dựng một lực lượng đưa ra chế tài xử phạt những đối tượng làm sai với quy tắc?
- Ở góc độ của ngành văn hóa vẫn là tuyên truyền, giáo dục và định hướng. Đơn vị trực tiếp thực hiện việc xử phạt không phải chức năng của ngành văn hóa. Thanh tra văn hóa không có nhiệm vụ rà soát những việc đó. Sở VH&TT chỉ đưa ra tiêu chí, và Bộ QTƯX không có chế tài xử phạt nên không có người xử lý vi phạm. Tuy nhiên, việc thực hiện tốt QTƯX sẽ xem xét trong bình xét thi đua của các đơn vị hàng năm.
Vấn đề xây dựng QTƯX là một trong phần công việc của Chương trình 04/CT-TU “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” của Thành ủy Hà Nội. Sau giai đoạn 1 (2011 - 2015), đến nay chương trình được triển khai tiếp như thế nào?
- Chương trình 04 giai đoạn 2016 - 2020 đã đi vào những việc cụ thể như thế có trọng điểm. Trong lĩnh vực xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh được xác định về trí tuệ, thể lực, ý thức chấp hành pháp luật và quan trọng nữa là ứng xử. Nhiều tháng nay, Sở VH&TT Hà Nội đã tập trung những việc làm liên quan đến xây dựng một môi trường văn hóa và con người văn hóa bằng các việc làm cụ thể như: Nếp sống văn minh trong tang lễ, lễ hội, trật tự văn minh đô thị… đều có thể định lượng được. Bức tranh rõ nét nhất là công tác tổ chức lễ hội, môi trường lễ hội của Hà Nội trong năm 2016 đã tốt hơn rất nhiều so với các năm trước. Trong mùa lễ hội vừa qua, ở Hà Nội không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, bạo lực… Đó là bước thành công quan trọng của Chương trình 04 khi ứng vào QTƯX nơi công cộng.
Xin cảm ơn ông!
Chợ Đồng Xuân là nơi có số lượng người kinh doanh đông, đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau nên rất cần một QTƯX chung làm chuẩn mực trong giao tiếp. Trong khi chờ bộ QTƯX nơi công cộng của Hà Nội được ban hành, chúng tôi thực hiện phong trào xây dựng chợ an toàn, văn minh, hiệu quả. Từ khi phong trào này áp dụng, tại khu chợ đã giảm thiểu được tình trạng trèo kéo, nói thách của các tiểu thương. Môi trường kinh doanh thương mại nhờ đó cũng văn minh hơn. |
- Ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân, Trưởng Ban quản lý chợ Đồng Xuân
Xây dựng QTƯX là việc nên làm, nhất là trong thời điểm này. Khi xây dựng quy tắc cần chú ý kế thừa những hương ước cổ của Hà Nội (có từ thế kỷ XV); sàng lọc để tiếp nhận, bổ sung xây dựng quy tắc mới gắn với phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và sau đó nhất thể hóa thành một bộ quy tắc ứng xử chung. Để đạt được mục tiêu, tạo sự chuyển biến đặc biệt, mỗi người dân sống ở Thủ đô cần phấn đấu trở thành công dân tiêu biểu; mỗi tổ chức cần nỗ lực tham gia đóng góp để góp thêm căn cứ lý luận và thực tiễn định hướng, xây dựng QTƯX tại cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, DN, khu dân cư, gia đình và nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. |
TS Lê Thị Bích Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư |