Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin về tăng lương, sắp xếp đơn vị hành chính
Kinhtedothi - Ngày 26/10, phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin về vấn đề tăng lương; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Sáng 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Hà Nội thực hiện tốt, sắp xếp 109 đơn vị cấp xã
Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói đây là chủ trương lớn, vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm và vừa qua nhiều địa phương đã rất nỗ lực. Trong 54 địa phương nằm trong diện sắp xếp cấp huyện, xã, có 51 địa phương thực hiện, còn 3 địa phương do có những yếu tố không thể thực hiện được là Bình Phước, Điện Biên và Lai Châu.
Trong 51 tỉnh, thành đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết với 38 địa phương, còn 13 địa phương. Hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận hồ sơ của 10 địa phương. Còn lại là 3 địa phương là Hà Tĩnh, Ninh Bình, Trà Vinh đang hoàn thiện hồ sơ.
Theo đó, sẽ sắp xếp 38 đơn vị cấp huyện, giảm 9 đơn vị cấp huyện và sắp xếp 1.176 đơn vị cấp xã và giảm 562 đơn vị cấp xã. Đồng thời, giảm số lượng rất lớn về tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp; giảm số lượng rất lớn cán bộ, công chức và đương nhiên sẽ dôi dư ra cán bộ, trụ sở.
Do vậy, việc thực hiện sắp xếp kỳ này chặt chẽ hơn, phương án cụ thể để các địa phương sau 3 năm hoàn thành sắp xếp tài sản công dôi dư và sau 5 năm hoàn thành việc sắp xếp cán bộ, công chức viên chức dôi dư. Việc này được triển khai một cách rất chặt chẽ chứ không giống như lần trước.
Đánh giá một số địa phương thực hiện tốt như Hà Nội sắp xếp 109 đơn vị cấp xã; Nam Định sắp xếp 2 đơn vị cấp huyện và sắp xếp 79 đơn vị cấp xã, để giảm 51 đơn vị hành chính cấp xã; TP Hồ Chí Minh cũng sắp xếp một số lượng rất lớn, tuy nhiên, bà Phạm Thị Thanh Trà cho hay, có nhiều địa phương chưa nỗ lực, ngại khó, ngại khổ, chưa giải quyết được tồn đọng giai đoạn trước nên đẩy vào kỳ sau.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, trên thế giới chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp huyện, xã mà lớn, khủng khiếp như Việt Nam, kể cả đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng vậy.Và chưa có đất nước nào mà chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam. Tinh thần của Tổng Bí thư rất quyết tâm và phải thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống. Trong đó, có cả hệ thống hành chính Nhà nước, cả cơ quan Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan Đảng, đặc biệt các đơn vị hành chính.
“Tinh thần sẵn sàng như vậy chứ không chỉ sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã. Cần nhìn nhận đầy đủ, đồng tình với phương án và cũng cố gắng khẩn trương nhất để có thể kịp cho Đại hội Đảng bộ các cấp của các địa phương. Chúng tôi rất mong cố gắng hoàn thành mục tiêu, chậm nhất đến 15/11 phải dứt điểm để tập trung cho Đại hội Đảng bộ các cấp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Nỗ lực rất lớn qua 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vừa qua, dù khó khăn nhưng Chính phủ đã dành nguồn lực khoảng 700.000 tỷ đồng và như vậy đến năm 2026 là 930.000 tỷ đồng cho điều chỉnh tiền lương. Nói cách khác là thực hiện chính sách tiền lương và trợ cấp bảo hiểm, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho người có công với một khoản nguồn rất lớn.
Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn bất cập và Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trên tinh thần Kết luận 83-KL/TW về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Tới đây, Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát một số đối tượng bất cập trên thực tiễn như nhân viên hành chính sự nghiệp, giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, nhân viên y tế. Trong đó, sẽ rà soát một cách tổng thể để đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho phù hợp theo tinh thần nghị quyết của Trung ương, nhất là kết luận của Bộ Chính trị đã ban hành. Làm sao đảm bảo với những đối tượng mang tính đặc thù cần có sự quan tâm, ưu tiên hơn, đảm bảo được đời sống của họ một cách tốt hơn.
Nhìn tổng thể, vừa qua đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, mức tăng lên 50,8%, trong đó, năm nay là 30%. Đây là sự nỗ lực rất lớn. Đến năm 2026 sẽ đánh giá lại Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, sau đó, tiếp tục thực hiện cho phù hợp. Còn việc có điều chỉnh lương cơ sở hằng năm hay không sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước.
“Năm 2025, có thể tạm thời dừng lại và sau đó, điều chỉnh với một số đối tượng ở trên. Còn sang đến năm 2026, chúng ta sẽ tiếp tục có điều chỉnh để nâng cao đời sống người hưởng lương trong khu vực công nhằm đảm bảo tương đồng với yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin.
Thảo luận tổ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nhắc lại 5 ngày trước, Chính phủ muốn đảm bảo cân đối ngân sách đã kiến nghị năm 2025 chưa xem xét tăng lương hưu, lương khu vực công, trợ cấp ưu đãi người có công. “Tôi chỉ ủng hộ một phần đề xuất này của Chính phủ" - đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, từ 1/7/2024, lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng nên lương của cán bộ công chức viên chức khu vực công khá hơn một chút. Tuy nhiên, các cơ quan cần lưu ý đến tiền lương khu vực giáo dục, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, cũng như lương của đội ngũ y bác sĩ. “Tôi thấy tiền công các ca mổ quá thấp. Nhưng quan trọng hơn là lương hưu thấp lắm” - đại biểu Trần Hoàng Ngân thông tin.
Vì vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ có thể không tăng lương khu vực công, nhưng phải tăng lương hưu và tăng trợ cấp an sinh xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công vào năm 2025. Ông cho rằng không tăng lương hưu, trợ cấp người có công thì niềm vui sẽ giảm vì đây là năm có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc như kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, 50 năm thống nhất đất nước. Tăng lương hưu và trợ cấp người có công còn giúp kích thích tiêu dùng.
Ngoài ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh và nộp thuế thu nhập cá nhân để cải thiện thu nhập của người dân, hỗ trợ tăng trưởng.
Chủ tịch nước Lương Cường: tiếp tục chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Kinhtedothi-Chiều 21/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ xúc động và ý thức rõ về trách nhiệm to lớn trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân khi được Quốc hội tin tưởng, tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Đề xuất chưa xem xét tăng lương hưu, lương khu vực công trong năm 2025
Kinhtedothi - Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đề xuất chưa xem xét tăng lương hưu, lương khu vực công, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
ĐBQH: cần chính sách phát triển sàn giao dịch trong nước để phát triển kinh tế số
Kinhtedothi - Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), gắn liền với kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cần có chính sách phát triển sàn giao dịch trong nước để phát triển kinh tế số…