|
Tư vấn tiêm vaccine ComBE Five cho trẻ tại Trạm Y tế xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh minh họa. |
Trước đó, tại Hải Phòng có tới 31 trẻ có phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five, trong đó có 10 trẻ xuất hiện phản ứng nặng như co giật, tím tái, sốt cao phải chuyển tới Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng để điều trị. Tới chiều 28/1, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phạm Thu Xanh xác nhận sự việc và cho biết đa số trẻ đều đã xuất viện, chỉ còn một số ca đang được theo dõi ở Bệnh viện Trẻ em với tình trạng ổn định.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết đã nắm được thông tin. “Các cháu chủ yếu sốt cao, có nhiều trường hợp phụ huynh vì lo lắng khi thấy trẻ có phản ứng nên cũng đưa vào bệnh viện để theo dõi”. Và trong số 31 trẻ nhập viện, có trường hợp phản ứng nặng giống như tiêm vaccine Quinvaxem trước đây.
Ông Phu nhấn mạnh, lý do khiến số trẻ nhập viện sau tiêm đông là do bố mẹ không yên tâm khi thấy con có phản ứng nhẹ nên đưa vào bệnh viện. Ông Phu tỏ thái độ thông cảm với sự lo lắng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, theo ông phụ huynh không nên hoang mang rồi bỏ tiêm vaccine khiến trẻ dễ mắc bệnh, nhất là trong thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh như hiện nay.
Được biết, vaccine ComBe Five đã được triển khai sử dụng tại Việt Nam từ tháng 11/2018. Tính đến ngày 6/1/2019, có 19 tỉnh/TP gồm Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Yên Bái, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, Cà Mau với 101.862 trẻ được tiêm vaccine ComBE Five.
Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc được ghi nhận là 1,73%. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỷ lệ khoảng 0,05%. Các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.