Năm 2025, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,5% dân số
Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 10/01/2025 về việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2025 trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo Kế hoạch, Hà Nội phấn đấu năm 2025, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,5% dân số; số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 47,5% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,5% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.
Cùng với đó, thực hiện các giải pháp thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, giảm tỷ lệ chậm đóng dưới mức bình quân chung của cả nước. Kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT; phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ BHXH, BHTN đảm bảo quyền lợi của người tham gia. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BHTN; tổ chức kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ.
Theo Kế hoạch, Hà Nội triển khai các nhiệm vụ: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và mỗi người dân về chính sách BHXH, BHYT. Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển nhanh, bền vững người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Cùng với đó, thực hiện giải pháp giảm số tiền chậm đóng BHXH, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT. Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Giải quyết, chi trả kịp thời các chế độ BHXH, BHTN.
Về tổ chức thực hiện: BHXH TP chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT; chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp các phòng, ban, ngành và UBND các xã, phường, thị trấn trong công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; giải quyết kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đúng quy định; giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp một lần, chế độ BHTN đầy đủ, kịp thời.
Cùng với đó, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp chậm đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT trên địa bàn TP; thường xuyên đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng của các nhân viên Tổ chức dịch vụ thu trong công tác tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.
Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, BHXH tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP; phối hợp BHXH TP và các đơn vị liên quan thanh tra liên ngành việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN nhất là các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời chấn chỉnh và kiên quyết xử lý vi phạm hành chính; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 100%; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ BHTN và thu hồi số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định.
Ngoài ra, UBND TP yêu cầu cụ thể hóa, xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể và gắn với trách nhiệm đối với từng Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời có các giải pháp tổ chức triển khai khoa học, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Tham gia BHYT 5 năm liên tục, khám chữa bệnh được hưởng quyền lợi gì?
Thông qua phương án người mắc bệnh hiểm nghèo được chuyển BHYT lên thẳng tuyến chuyên sâu
Kinhtedothi - Chiều 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám, chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Người tham gia BHYT thay đổi nơi tạm trú, lưu trú, khám chữa bệnh ra sao?
Kinhtedothi - Sáng 2/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị phổ biến Thông tư 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Nội dung về thay đổi nơi tạm trú, lưu trú khi khám chữa bệnh theo BHYTđược các đại biểu quan tâm.