Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Bóng đá Việt và xu hướng trở về... bao cấp

Bóng đá Việt Nam đã bước sang năm chuyên nghiệp thứ 17, nhưng đến nay, cái đích chuyên nghiệp vẫn còn khá xa vời.

Cái đích ấy chính là việc, các đội bóng hoạt động như một DN và có thể tự nuôi sống mình. Đáng nói hơn, đang có xu hướng “bao cấp” trở lại với bóng đá chuyên nghiệp khi các đội bóng hụt hơi nơi thương trường.
V.League hụt hơi
Có một giai đoạn, các đội bóng đứng trước thách thức phải ly khai với mô hình bao cấp. Đó là con đường được cho là bắt buộc phải đi nếu muốn hòa mình với dòng chảy chuyên nghiệp. Bầu sữa từ bao cấp không thể giúp nâng cao đời sống cầu thủ, HLV như các đội bóng khác. Họ cũng không có tiền để chi cho những bản hợp đồng tiền tiền tỷ.

Các cầu thủ Hải Phòng trong một buổi tập.

Vì thế, trong giai đoạn cực thịnh của phong trào “xã hội hóa bóng đá”, đội bóng nào làm chậm thì sẽ mất đi sức mạnh, tầm ảnh hưởng của mình. Cả làng bóng đá nhìn HAGL, Hòa Phát Hà Nội. Navibank Sài Gòn, Hà Nội ACB như một mô hình chuẩn cần phải hướng đến. Ngay cả những địa phương có nhiều bất lợi khi không có những DN lớn trú quân thì bằng cách này hay cách khác, thậm chí là thông qua quan hệ thân tình mà người ta cũng kiếm được một DN lớn chống lưng như: Hùng Vương An Giang, Cao su Đồng Tháp hay Sông Đà Nam Định.
Thế rồi, khi cơn khủng hoảng kinh tế kéo đến. Các DN lần lượt thoái lui hoặc thu hẹp sự tài trợ. Một nửa số đội bóng DN không còn tồn tại hoặc được chuyển đổi mô hình hoạt động. Những Navibank Sài Gòn, Hùng Vương An Giang, Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB, Xuân Thành Sài Gòn, Vissai Ninh Bình... đã không còn tên trên bản đồ bóng đá. Các DN, doanh nhân vì khó khăn trong kinh doanh hoặc thiếu mặn mà với đứa con bóng đá nuôi mãi chẳng chịu trưởng thành để tự lập đã quyết định thoái lui. Quyết định của họ khiến làng bóng đá chao đảo. Dễ nhận thấy nhất là việc một loạt đội bóng giải thể. Những đội bóng còn lại cũng hụt hơi trong cuộc đua kim tiền.
Quay đầu là bờ
Cách đây gần 10 năm, Hải Phòng được chuyển giao cho Xi măng Hải Phòng và ngay lập tức, đội bóng này trở thành “cái rốn” của làng bóng đá. Một loạt ngôi sao tìm đến với đội bóng này vì choáng váng với những lời mời hấp dẫn. Hải Phòng liên tục tham gia vào các cuộc đua đến ngôi vô địch. Và để có những phút giây huy hoàng đó, họ đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng. Đến một ngày, Xi măng Hải Phòng thấm mệt và họ quyết định trả lại đội bóng. Hải Phòng hai năm qua có thành tích khá ấn tượng nhưng lại đối diện với những khó khăn về tài chính.
Con khóc thì mẹ phải cho bú. Lãnh đạo TP Hải Phòng đã quyết định đầu tư trở lại cho đội bóng sau khi nhận thấy rằng, nếu họ buông tay, con thuyền bóng đá sẽ chìm. Một kế hoạch tài chính kéo dài 5 năm với con số lên tới 200 tỷ đồng đã được thông qua nhằm giúp Hải Phòng có được 70% kinh phí hoạt động. Số còn lại sẽ được lấy từ bán vé, khai thác thêm tài trợ. Đây thật sự là con số trong mơ và nó sẽ giúp đội bóng có thể ổn định về tài chính trong thời gian dài.
Không chỉ Hải Phòng, nhiều đội bóng khác ở V.League đã lựa chọn “quay đầu trở lại với bao cấp”. Than Quảng Ninh cũng nhận khoảng 20 tỷ đồng một năm từ ngân sách. FLC Thanh Hóa có 30 tỷ đồng một năm sau thời gian đều đặn chi 60 tỷ đồng từ ngân sách trước đây. SLNA cũng có 20 tỷ đồng từ bao cấp.
Việc các đội bóng phải nhờ cậy đến địa phương nhằm có được sự ổn định về tài chính là điều khó tránh khỏi khi mà bóng đá chuyên nghiệp vẫn chưa thực chất. Vai trò của kinh doanh trong bóng đá vẫn còn rất mờ nhạt mà muốn tồn tại, phát triển, các đội bóng phải có tiền. Thế nhưng, ngân sách không phải là cái kho vô tận. Vấn đề cần kíp lúc này là các đội bóng phải phát triển một cách bền vững, chú trọng đến đào tạo trẻ và tạo ra những nền tảng để khai thác những giá trị thương mại từ hoạt động bóng đá.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ