Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

1.026 đơn vị cấp xã sẽ chịu tác động khi sắp xếp huyện, xã

Kinhtedothi-Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cả nước, nếu theo phương án của các tỉnh thì sẽ giảm được 539/11.160 ĐVHC cấp xã; khi sáp nhập với các xã liền kề thì đối tượng chịu tác động lên tới 1.026 ĐVHC cấp xã.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 ngành nội vụ toàn quốc ngày 16/7, Vụ trưởng Vụ Tổ chức chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng đã cung cấp một số thông tin đáng chú ý về công tác sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên cả nước hiện nay.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức chính quyền địa phương Phan Văn Hùng 
Theo ông Phan Văn Hùng, các địa phương đang tích cực triển khai Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653 của UBTV Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Xác định đây là vấn đề trọng đại, nhận được quan tâm lớn của các địa phương, Vụ đã kịp thời tham mưu các văn bản hướng dẫn thực hiện. “Đến nay, Vụ nhận được báo cáo của 61/63 tỉnh, TP trực thuộc về triển khai công tác này. Theo thống kê, sẽ có 42 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thuộc diện sắp xếp; đặc biệt 4 tỉnh, TP dù không thuộc diện sắp xếp nhưng đã chủ động thực hiện là Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La, Tây Ninh. Căn cứ số liệu mới của Tổng cục Thống kê, sẽ có 20/713 ĐVHC cấp huyện, 623/11.160 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sáp nhập. Theo các địa phương báo cáo, sẽ có 3 ĐVHC cấp huyện thuộc tỉnh Cao Bằng và 1 ĐVHC cấp huyện tỉnh Hòa Bình phải sáp nhập; tỉnh yên Bái sẽ điều chỉnh ĐVHC thị xã Nghĩa Lộ với huyện Văn Chấn. Tại cấp xã, nếu theo phương án của các tỉnh thì sẽ giảm được 539/11.160 ĐVHC cấp xã; khi sáp nhập với các xã liền kề thì đối tượng chịu tác động lên tới 1.026 ĐVHC cấp xã - số lượng tương đối lớn”, ông Phan Văn Hùng cho biết.
Từ đó, Vụ trưởng đề nghị, 14 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chưa gửi phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã cần sớm gửi về để Bộ Nội vụ có ý kiến. Các tỉnh, TP cũng cần chủ động thực hiện sớm theo hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nội vụ về quy trình sắp xếp; hạn chót ngày 31/8/2019, các địa phương cần gửi đề án để Bộ thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định, chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp trong năm 2020. Trong quá trình xây dựng đề án, các địa phương cần làm tốt công tác tư tưởng, vận động tuyên truyền trước hết với cán bộ sau đó là các tầng lớp Nhân dân về việc sắp xếp cán bộ; chủ động lên phương án sớm về sắp xếp các cán bộ công chức viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) để bảo đảm đồng thuận, chủ động trong sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định về giải quyết chế độ chính sách với CBCCVC, NLĐ khi thực hiện sắp xếp.
 Toàn cảnh hội nghị tại Bộ Nội vụ
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Tổ chức chính quyền địa phương cung cấp thêm: Về một số ý kiến kiến nghị sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tại phiên họp UBTV Quốc hội ngày 15/7 đã xem xét cho ý kiến về Luật sửa đổi này; Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã trình bày ý kiến giải trình, tiếp thu; Vụ xin ghi nhận các góp ý để đưa vào hoàn thiện dự thảo. Liên quan đến một số ý kiến về sửa đổi bổ sung hướng dẫn chế độ chính sách cho CBCC ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, đặc biệt về triển khai Nghị định 34, Vụ đang tham mưu Bộ trưởng để có thông tư hướng dẫn thi hành; tiếp thu ý kiến về khó khăn vướng mắc của các địa phương để đưa vào dự thảo Thông tư, hướng dẫn các địa phương triển khai Nghị định trên thực tiễn.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ