Monday, 11:31 20/01/2020
Cải cách hành chính: Điểm sáng của Hà Nội
Kinhtedothi - Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) giai đoạn 2016 - 2020”, có thể thấy TP đã đạt kết quả khả quan trên cả 6 lĩnh vực của CCHC. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC và ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân mang lại hiệu quả rõ nét.
Hoàn thành 11/15 chỉ tiêu
Trưởng Phòng CCHC (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh cho hay: Tính đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình 08-Ctr/TU cơ bản đã hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu về đích sớm, vượt kế hoạch, hoàn thành 11/15 chỉ tiêu, như: 2 chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và mức độ hài lòng của người dân, DN về sự phục vụ của cơ quan hành chính, giải quyết TTHC đều đạt trên 80%; tinh gọn, đơn giản hóa TTHC đạt 25,4%. Còn lại, 4/15 chỉ tiêu ước hoàn thành vào năm 2020. TP cũng đã hoàn thành 30/33 đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện. “Giai đoạn 2016 - 2020, CCHC thực sự là một điểm sáng trong ba khâu đột phá của TP, được T.Ư, Nhân dân, cộng đồng DN đánh giá cao, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH Thủ đô. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, tổ chức triển khai đồng bộ trên tinh thần "5 rõ” và “một đầu mối, một việc xuyên suốt”, qua đó đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở; sự đồng thuận của toàn xã hội và Nhân dân” - ông Phạm Tuấn Anh đánh giá.
Theo Sở Nội vụ, chính nhờ đẩy mạnh siết chặt kỷ cương hành chính đã góp phần giảm số trường hợp CBCC vi phạm qua các năm được phát hiện từ những cuộc kiểm tra của Đoàn kiểm tra công vụ TP. Cụ thể, năm 2017, đoàn phát hiện và đề xuất kỷ luật 34 trường hợp vi phạm; năm 2018 phát hiện 5 trường hợp thì đề xuất kỷ luật 2 trường hợp, rút kinh nghiệm với 3 trường hợp; năm 2019 phát hiện 10 trường hợp vi phạm thì cũng đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng xử lý cụ thể. |
Thực tế cũng cho thấy, cải cách TTHC gắn với thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (MCLT) được TP đặc biệt quan tâm, từ năm 2017 đến nay đã ban hành 81 quyết định công bố TTHC, danh mục TTHC, trong đó 100% sau khi ban hành được công khai trên Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về TTHC. TP còn chú trọng tiến hành rà soát, chuẩn hóa xóa bỏ dữ liệu TTHC dư thừa, trùng lặp và kịp thời nhập, đăng tải công khai, tích hợp dữ liệu TTHC thuộc phạm vi chức năng trên CSDL quốc gia về TTHC. Cùng với đó, không ngừng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung ứng DVCTT mức độ 3, 4; đến nay toàn TP có 1.448 DVCTT mức 3, 4, đạt tỷ lệ 80%, trong đó 239 DVCTT mức 4. Số hồ sơ tiếp nhận trên Cổng DVC và hệ thống một cửa điện tử TP đạt hơn 2,2 triệu hồ sơ; riêng thủ tục liên thông đăng ký khai sinh đang vận hành trên hệ thống một cửa điện tử dùng chung đạt 74% hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. Đáng chú ý, nhiều đề án, sáng kiến trong cải cách TTHC, thực hiện một cửa, MCLT mang lại hiệu quả cao, giúp giảm số lần đi lại, thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ TTHC của người dân, DN. Những điều này đã góp phần đưa tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn trên toàn TP lần lượt đạt 98,81%, 98,13%, 98,5%, 99,86% qua các năm 2016, 2017, 2018, 2019.
Cùng với nỗ lực cải cách TTHC, từ năm 2016 đến nay, TP đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, phấn đấu đưa Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử. Trong đó, đã lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT TP do trực tiếp Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban; thuê dịch vụ Trung tâm dữ liệu hiện đại triển khai hệ thống DVCTT mức 3, 4 và phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung của TP… Hà Nội còn tập trung triển khai 3/6 hệ thống thông tin, CSDL cốt lõi (CSDL dân cư cho trên 7,5 triệu người dân TP, CSDL quản lý DN của TP, CSDL quản lý bảo hiểm); lắp đặt mạng diện rộng, các phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối với Cổng DVCTT, đào tạo sử dụng phần mềm và hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện, với 647 lớp đào tạo trực tiếp cho 17.800 CBCCVC về chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT…
Tất cả nỗ lực này 4 năm qua đã góp phần đưa chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước cải thiện tích cực qua từng năm, trong đó chỉ số hài lòng của Hà Nội năm 2018 đạt 83%, tăng 16 bậc so với năm trước. Với kết quả này, TP đã hoàn thành chỉ tiêu về mức độ hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đề ra tại Chương trình 08-CTr/TU và sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 30c/NQ-CP.
Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ
Một kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình 08-CTr/TU là không chỉ tại cấp TP mà cả ở các cấp cơ sở chính đã chú trọng cải cách TTHC gắn với thực hiện một cửa, MCLT; kiến nghị đơn giản hóa quy trình, thủ tục và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết TTHC để ngày càng tạo thuận lợi cho người dân, DN. Như tại quận Hai Bà Trưng, lãnh đạo quận chỉ đạo các đơn vị thường xuyên rà soát quy định, TTHC đang thực hiện tại quận và 20 phường để rút ngắn quy trình, giảm tối đa thời gian giải quyết và kịp thời đề xuất bãi bỏ TTHC, quy định chồng chéo, không phù hợp, phiền hà người dân. Qua rà soát, các phòng chuyên môn đều có TTHC được đăng ký rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định: Lĩnh vực quản lý đô thị 1 TTHC, giáo dục đào tạo 2 TTHC, nội vụ 3 TTHC, tài nguyên môi trường 1 thủ tục…
Tỷ lệ giải quyết TTHC đúng, trước hạn trong các năm 2016 - 2019 tại cấp quận đạt 99,62%, cấp phường 99,83%. Từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ DVCTT đạt 99,25% tại cấp quận, 99,8% tại cấp phường, đồng thời đã triển khai giải quyết DVCTT mức 4 với thủ tục trích lục hộ tịch. Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc quận bằng hệ thống điện tử đặt tại bộ phận “một cửa” cho thấy hai năm qua, cấp quận luôn đạt trên 97%, cấp phường 99%.
Không chỉ nội thành mà cả khu vực ngoại thành, chất lượng phục vụ người dân, DN cũng ngày càng được nâng cao. Theo Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân, thực hiện Chương trình của Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã khẩn trương xây dựng Chương trình số 10 ngày 22/1/2016 về “Đẩy mạnh CCHC trên địa bàn Gia Lâm giai đoạn 2015 - 2020”, trong đó tập trung 2 nhiệm vụ chính của CCHC là nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC và xây dựng, triển khai kế hoạch xác định chỉ số CCHC trên địa bàn. Huyện ủy, UBND huyện xác định, kết quả đạt được thế nào, duy trì thực hiện được không, đều bắt nguồn từ các cơ quan chuyên môn thuộc huyện và xã, mà trực tiếp là đội ngũ CBCC. Công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC được huyện, xã thường xuyên thực hiện; tăng cường niêm yết công khai địa chỉ, số điện thoại cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và thư điện tử, website tại bộ phận “một cửa”, trên Cổng TTĐT huyện.
Kết quả, đã thực hiện đơn giản hóa 35 TTHC cấp huyện, 23 TTHC cấp xã, mà chủ yếu là rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Đến nay tại huyện có 99 TTHC được thực hiện theo DVCTT mức 3, 4, trong đó cấp huyện đạt 83% và cấp xã đạt 94% số hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến. Qua các năm, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn tại huyện đạt 99,7%, tại xã 99,9%. Với nỗ lực chung của cả đội ngũ, trong 3 năm 2016 - 2018, chỉ số CCHC của Gia Lâm luôn dẫn đầu khối huyện, thị xã thuộc TP.