Cải tạo, chỉnh trang các công trình biệt thự Pháp: Hướng đến mục tiêu kép
Kinhtedothi - Trước nguy cơ biệt thự Pháp dần bị xuống cấp, mai một, TP Hà Nội đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn, lưu giữ những công trình tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hà Nội.
Trong đó, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện bán 600 biệt thự cũ thuộc sở hữu Nhà nước nằm trong danh mục được bán, đang bán dở dang… để tạo nguồn lực cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ có giá trị.
Lãng phí biệt thự công
Biệt thự cổ Pháp có tuổi đời hơn 100 năm, trải rộng ở một số quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa được coi là mảng quan trọng tạo ra quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và rất có giá trị ở Hà Nội. Đây là những công trình mang nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Thủ đô. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều ngôi biệt thự cổ thuộc sở hữu tư nhân với đông hộ gia đình cùng sinh sống đã xuống cấp nặng nề dẫn đến việc sửa chữa, cơi nới, xây thêm làm biến dạng diễn ra khá phổ biến.
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng, bảo tồn, tôn tạo quỹ biệt thự công cũng chưa được quan tâm đúng mức, khiến nhiều biệt thự cũ không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên nên bị xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho người sử dụng. Hiệu quả kinh tế khi khai thác, sử dụng, cho thuê và bán chưa cao.
Nhiều biệt thự cổ nằm trên những vị trí đắc địa giữa trung tâm TP, song bị bỏ hoang lâu ngày đã xuống cấp nghiêm trọng, không được duy tu sửa chữa hoặc chuyển đội sử dụng sai mục đích. Điển hình như căn biệt thự cổ kiểu Pháp nằm ở số 46 Hàng Bài - một trong những vị trí đắc địa (hai mặt tiền nằm trên hai mặt phố lớn Hàng Bài và Trần Hưng Đạo) từng là trụ sở của Nhà Xuất bản Văn học. Năm 1998, khi nhà xuất bản chuyển tới địa chỉ khác, ngôi nhà trải qua nhiều lần đổi chủ rồi bị bỏ không, xuống cấp nghiêm trọng cho tới nay. Mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế vùng Paris (Pháp) thực hiện dự án bảo tồn đối với biệt thự cổ này. Và đây là một trong những dự án đầu tiên mà TP Hà Nội thực hiện.
Ngay sát đó, nằm trên đường Trần Hưng Đạo, biệt thự cổ ở địa chỉ số 51 - trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhiều hạng mục của tòa nhà đã xuống cấp nhưng không được duy tu, sửa chữa. Các ngôi biệt thự công tại 14, 49 Phan Bội Châu cũng đang bị bỏ hoang, ngày càng xuống cấp theo thời gian.
KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho biết, từ những năm 70 của thế kỷ XX, các đơn vị xây dựng những công trình nhà Pháp cổ ở Hà Nội đã có văn bản thông báo cho Chính phủ những ngôi nhà này đã hết hạn sử dụng, họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu công trình xảy ra sự cố. Nhưng nhiều công trình vẫn được sửa chữa để sử dụng vào những mục đích khác nhau.
“Cùng với những công trình đang sử dụng rơi vào tình trạng xuống cấp, nhiều công trình biệt thự Pháp là tài sản công, tuy nhiên không có đơn vị nào nhận trách nhiệm quản lý, bị bỏ hoang, nguy cơ sập đổ cao” - KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận.
Tạo nguồn vốn để bảo tồn
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn TP có 1.216 biệt thự, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước; 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân. Đa số các biệt thự được xây dựng trên dưới 100 năm.
Nhiều biệt thự không có đủ kinh phí để bảo trì, cải tạo, sửa chữa nên bị xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho người sử dụng. Do nhiều thành phần quản lý, sở hữu, sử dụng biệt thự nên việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp kinh phí để bảo trì, cải tạo, sửa chữa rất khó khăn, hầu hết vẫn trông chờ vào Nhà nước.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cho rằng, việc quản lý, khai thác, cho thuê, bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước chưa thực sự hiệu quả. Hiện nay, mới chỉ có Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội là khai thác hiệu quả 8 biệt thự được giao quản lý theo giá thị trường. Còn Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) mới chỉ thực hiện việc quản lý, cho thuê và bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước cho các đối tượng được phân phối, bố trí, cho thuê trước đây đang được hưởng việc thuê và mua nhà theo chế độ, chính sách của Nhà nước quy định (theo Nghị định số 61/CP).
Quỹ nhà biệt thự chuyên dùng (không dùng để ở) do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý; quỹ nhà biệt thự chuyên dùng do các cơ quan, đơn vị của T.Ư và TP quản lý, sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh... chưa được khai thác hiệu quả theo cơ chế thị trường.
Nguyên nhân vì chưa có cơ chế, chính sách về đấu giá quyền thuê trả tiền một lần đối với 207 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước nằm trong danh mục biệt thự không bán. Do đó, chưa khai thác được các giá trị địa tô, lợi ích về đất đai thuộc sở hữu Nhà nước vào công cuộc chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ lập danh mục, hồ sơ quản lý, bảo tồn, tôn tạo và khai thác hiệu quả các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội, tránh lãng phí tài nguyên đất đai. Đồng thời nhằm đưa ra giải pháp tạo lập nguồn vốn để thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác, UBND TP Hà Nội vừa ban hành chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025".
Cụ thể, sẽ tiếp tục thực hiện bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu Nhà nước, đang bán dở dang, hiện do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê nhà ở cũ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và các nghị định liên quan.
Bên cạnh đó, TP sẽ rà soát trong danh mục 207 biệt thự cũ thuộc sở hữu Nhà nước thuộc danh mục biệt thự không được bán để xây dựng phương án bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê 10 - 15 năm theo giá thị trường, trả tiền một lần đối với 34 biệt thự chuyên dùng do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý một phần hoặc toàn bộ biệt thự.
TP cũng sẽ nghiên cứu điều chỉnh Danh mục biệt thự không được bán tại Đề án quản lý biệt thự (rà soát 105 biệt thự cũ thuộc sở hữu Nhà nước do TP quản lý, đang sử dụng đan xen trụ sở cơ quan và nhà ở của các hộ dân) để xây dựng phương án di chuyển cơ quan, tổ chức. Sau đó, tổ chức bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê 10 - 15 năm theo giá thị trường, trả tiền một lần.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, chủ trương tiếp tục bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu Nhà nước của TP Hà Nội để giải quyết cân đối ngân sách bảo tồn các biệt thự có giá trị là cần thiết.
Trong danh sách các biệt thự cũ được phép bán có những công trình góp phần nâng tầm giá trị kiến trúc Pháp cổ tại Hà Nội. Do đó, TP cần có định hướng và yêu cầu chủ sở hữu mới có cam kết thực hiện theo đúng định hướng, mục đích sử dụng phù hợp với loại công trình này.
Có như vậy, TP mới giải quyết được mục tiêu vừa tạo ngân sách cho đầu tư bảo tồn đồng thời vẫn giữ được quỹ di sản kiến trúc qúy giá mà nếu mất đi sẽ không bao giờ phục dựng được.
"Thực tế, trong những năm vừa qua có những biệt thự Pháp sau khi mua chủ mới đã giữ được nguyên trạng nhưng cũng có chủ đầu tư đã phá bỏ hoàn toàn. Đây là vấn đề khó, do đó TP cần có cơ chế đặc thù và giám sát chặt chẽ nhằm thực hiện được mục tiêu kép vừa bảo tồn kiến trúc di sản, đồng thời cũng làm tăng quỹ ngân sách cho TP."- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm.
Sớm có cơ chế chỉnh trang, bảo tồn biệt thự Pháp
Kinhtedothi - Hà Nội đang bắt tay vào thực hiện nhiều kế hoạch chỉnh trang, tái thiết đô thị theo mục tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”.