Cận cảnh "vòi rồng" trắng đêm diệt muỗi, dập sốt xuất huyết ở Hà Nội
Kinhtedothi - Trong đêm 13 và rạng sáng ngày 14/8 các nhân viên y tế cùng máy chuyên dụng công suất lớn với "vòi rồng" đã đi khắp các ngõ ngách, các khu vực có nguy cơ bùng phát thêm ổ dịch để phun thuốc diệt muỗi, ngăn chặn sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong thời gian từ 0h-5h, lực lượng chức năng gồm hơn 30 người là lãnh đạo Trung tâm Y tế quận, cán bộ y tế làm nhiệm vụ kỹ thuật, công nhân phun, lái xe, lãnh đạo các phường, cán bộ dẫn đường, đại diện ban quản lý các chợ, lãnh đạo và phụ trách hành chính, nhân viên y tế các trường đại học (ĐH), đã huy động 2 xe ôtô với 2 máy phun cỡ lớn chia làm hai đoàn để thực thi nhiệm vụ.
Trong đó, một đoàn tiến hành phun thuốc tại các trường ĐH lớn là ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế quốc dân (phường Đồng Tâm), ĐH Bách Khoa (phường Bách Khoa), trong đó tập trung phun trong khuôn viên trường và khu ký túc xá. Một đoàn khác thực hiện tại địa bàn phường Vĩnh Tuy, trong đó tập trung tại ĐH Kinh doanh công nghệ, Mẫu giáo Lạc Trung, Tiểu học Vĩnh Tuy, THCS Vĩnh Tuy, Nguyễn Đình Chiểu. Đồng thời, hai đoàn tiến hành phun thuốc tại chợ Đồng Tâm và một số chợ, công trường, đình, chùa, các công trình công cộng của 4 phường Bách Khoa, Trương Định, Đồng Tâm, Vĩnh Tuy.
Trao đổi với Kinh tế&Đô thị trong rạng sáng 14/8 khi lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm Lê Khánh Giang cho biết: Ngay khi có dịch SXH, UBND phường đã thông tin đến mọi địa bàn dân cư, 32 tổ dân phố; thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch SXH với sự phân công cụ thể cho các thành viên, gửi thông báo và số điện thoại của trưởng trạm y tế, lãnh đạo phường đến cả 4.209 hộ dân, tăng phối hợp và tự phát hiện của người dân. UBND phường cũng phối hợp với ĐH Xây dựng và ĐH KTQD, thành lập đội xung kích, tổ giám sát tại các địa bàn dân cư. “Chúng tôi chú trọng vận động Nhân dân phun thuốc phòng chống dịch, nếu trước chỉ khoảng 50% người dân vào cuộc thì đến nay gần 90% hộ đã hợp tác với chính quyền (tự phát hiện bệnh nhân thì báo với trạm y tế phường, hoặc khi nhân viên y tế đến nhà phun thuốc thì mở cửa, phối hợp diệt bọ gậy...) Hiện tỷ lệ bọ gậy tại phường đã được khống chế”, bà Giang nhấn mạnh.
Khẳng định phòng chống dịch SXH đang được phường xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất, bà Giang cũng cho biết: Đồng Tâm hiện có 132 bệnh nhân, 32 ổ dịch thì còn 8 ổ đang hoạt động, đều đã được phun phòng dịch 2 lần và tăng cường cán bộ cơ sở tuyên truyền với người dân về VSMT. UBND phường còn đẩy mạnh tuyên truyền bằng loa di động tại những ổ dịch, đã ra quân 2 tuần liên tiếp hưởng ứng “Ngày thứ Bảy xanh”, thu gom toàn bộ phế thải tồn đọng tại các khu dân cư... Tới đây, sẽ tăng tuyên truyền trên loa, các hội nghị, tăng giám sát của ban chỉ đạo, tổ giám sát, đội xung kích; duy trì “Ngày thứ Bảy xanh” đến tận khi công bố hết dịch.
Theo Trung tâm Y tế quận, tính đến 12/8, toàn quận có 1.181 bệnh nhân SXH, với 236 ổ dịch tại 20 phường, trong đó 227 bệnh nhân đang điều trị, 93 ổ dịch đang hoạt động tại 19 phường, với 7 phường trọng điểm có nhiều bệnh nhân (Trương Định, Đồng Tâm, Vĩnh Tuy, Thanh Lương, Thanh Nhàn, Bạch Đằng, Minh Khai). 3 tuần qua, trung bình mỗi ngày ghi nhận 20-45 ca mắc, 7-10 ổ dịch mới. Từ tháng 5/2017, trước diễn biến dịch SXH tăng mạnh, Trung tâm đã tham mưu UBND quận ban hành các công văn, kế hoạch về tăng cường biện pháp phòng chống SXH gửi tới các phòng ngành, UBND phường, bệnh viện (BV), ĐH. Quận cũng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, công an, tổ trưởng, cộng tác viên; thành lập đoàn giám sát phòng chống SXH tại 20/20 phường, trong đó đặc biệt lưu ý 7 phường trọng điểm...
Lực lượng chức năng còn kiểm tra, giám sát các khu công trường xây dựng BV Thanh Nhàn, BV Ung Bướu, BV 108, ĐH KTQD, Tổng cục Thuế...; cùng các đơn vị tổ chức tổng vệ sinh thu gom phế liệu, phế thải và đề xuất Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phun hóa chất diệt muỗi tại bờ vở sông Hồng, công trường xây dựng; tham mưu UBND quận chỉ đạo 20 phường đồng loạt ra quân triển khai “Ngày thứ Bảy xanh” sáng 5/8/2017 và duy trì tổng VSMT hàng tuần. Toàn quận đã tập huấn chuyên môn cho 1.276 đội xung kích diệt bọ gậy, 213 tổ giám sát phòng chống dịch SXH tại cụm dân cư.
Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Vân Anh cho biết: Chuẩn bị cho chiến dịch phòng chống SXH, Trung tâm đã tập huấn cho 100% cán bộ trạm y tế 20 phường về thực địa phòng chống SXH; các bước thực hiện khi có ca nghi ngờ, ca mắc, ổ dịch; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch, các bước tổ chức chiến dịch VSMT; giám sát, điều tra, xác minh, xử lý mọi ca bệnh, ổ dịch... Quận cũng kiện toàn, củng cố và duy trì hoạt động thường xuyên 2 đội cơ động phòng chống dịch và tập huấn cập nhật chuyên môn, kỹ thuật cho thành viên đội cơ động để sẵn sàng phòng chống dịch. Ngoài xử lý 236 ổ dịch, đã triển khai 3 vòng chiến dịch VSMT, diệt bọ gậy diện rộng, tập trung vào những nơi trọng điểm từ tháng 4-8/2017. Song song với chiến dịch của quận, 20/20 phường cũng chủ động làm VSMT thanh toán ổ bọ gậy tại các tổ trọng điểm sáng thứ Bảy hàng tuần; đã phát trên 145.000 tờ rơi, phát thanh 2-4 lần/tuần trên loa phường, sử dụng loa di động trong các chiến dịch VSMT và phun hóa chất ổ dịch, truyền thông lưu động, trực tiếp tại cộng đồng...
Những ngày tới, lực lượng chức năng quận sẽ tăng cường giám sát tại cộng đồng, tại các BV được phân cấp và 2 phòng khám đa khoa của Trung tâm Y tế quận; chủ động phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, xử lý triệt để không để dịch lan rộng, kéo dài. Đặc biệt, tiếp tục tổ chức đợt cao điểm phòng chống SXH, trong đó có truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, ôtô lưu động, phát tờ rơi đến từng hộ dân, chiến dịch VSMT-diệt bọ gậy-phun hóa chất tại 70 khu vực trọng điểm; nâng cao chất lượng chiến dịch và huy động chính quyền, cộng đồng vào cuộc. Trung tâm sẽ đẩy mạnh phối hợp với UBND 20 phường tăng kiểm tra công trường, hộ cho thuê trọ, bãi đất trống, KTX sinh viên...; ký cam kết phòng chống dịch SXH, không để dịch bệnh xảy ra; nghiêm túc xử phạt những cá nhân, đơn vị không tham gia phòng chống dịch; xử lý mọi ca bệnh, ổ dịch SXH; giám sát thường xuyên tại các nơi trọng điểm...
“Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, chúng tôi đã thành lập đội phun hóa chất gồm 20 chiến sĩ và 17 cán bộ Trung tâm Y tế, tập huấn chuyên môn để kịp thời triển khai ngay khi TP cấp máy phun và tổ chức phun mỗi phường trong 1 ngày. Quận đã cùng Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phun diện rộng 15 máy tại mỗi phường Trương Định, Đồng Tâm (ngày 11/8), Vĩnh Tuy (13/8). Sau buổi sáng dùng máy phun cỡ lớn tại 4 phường hôm nay (14/8), Trung tâm Y tế quận sẽ phun cuốn chiếu diện rộng cho cả 16 phường còn lại, tập trung vào các chợ, trường học, công trường, đình, chùa, miếu, nghĩa trang…, kéo dài đến 2/9/2017”, bà Vân Anh khẳng định.
Xe phun thuốc diệt muỗi, chống sốt xuất huyết trong Trường THCS xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì đêm 13/8. |
Xe phun thuốc diệt muỗi, chống dịch sốt xuất huyết tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai rạng sáng 14/8. |
Xe phun thuốc diệt muỗi, chống sốt xuất huyết tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì 23 giờ đêm 13/8. |
Xe phun thuốc diệt muỗi, chống sốt xuất huyết tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. |
Chợ Hoàng Mai (thuộc địa bàn phường Hoàng Văn Thụ), quận Hoàng Mai trong đêm 14/8. |
Xe phun thuốc diệt muỗi, chống dịch sốt xuất huyết tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai rạng sáng 14/8. |