Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội
Kinhtedothi - Thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ việc người dân bị các đối tượng lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội, chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Dù các chiêu trò không mới, tuy nhiên số lượng nạn nhân mắc bẫy vẫn không ngừng gia tăng.
Những chiếc bẫy tinh vi được giăng sẵn
Ngày 18/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nạn nhân trong vụ án này là chị P.T.H (sinh năm 1990, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 822 triệu đồng.
Trước đó, trong quá trình truy cập Facebook, chị H. thấy có thư mục quảng cáo “Tuyển dụng 2”. Chị H. đã kích vào mục trên để tìm hiểu và nhận được tin nhắn qua Messenger với nội dung “Tuyển dụng nhân viên bán hàng online”.
Chị chủ động để lại số điện thoại, sau đó tài khoản Zalo tên “Nguyễn Thùy Dung” kết bạn và tự giới thiệu là chuyên viên tư vấn của Shopee yêu cầu chị H. cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.
Dung đã cấp cho chị H. một mã cộng tác viên ký hiệu là A688 rồi gửi các đường link sản phẩm thuộc trang web Shopee.vn) và bảo chị H. nhấp vào đường link này sẽ thấy mã sản phẩm kèm giá tiền… Do ham lợi nhuận, chị H. tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo, dẫn dắt mua bán lòng vòng, chị đã chuyển số tiền lớn cho các đối tượng đến hơn 822 triệu đồng.
Một vụ việc khác, Công an quận Cầu Giấy đang phối hợp với cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt 50 triệu đồng. Theo đó, anh P. (sinh năm 1998; HKTT ở tỉnh Hà Nam) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là công an và thông báo anh P. vi phạm giao thông.
Đối tượng còn nói anh có liên quan đến việc mua bán tài khoản ngân hàng để rửa tiền; yêu cầu anh P. phải chứng minh tài chính bằng cách chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển khoản, anh P. phát hiện mình bị lừa và đến Công an phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) trình báo.
Trong khi đó, vừa qua ghi nhận hàng loạt phản ánh từ người dùng điện thoại về tin nhắn giả mạo Cục Cảnh sát giao thông đề nghị chuyển tiền "phạt nguội" vì vi phạm giao thông. Nhiều người hoang mang, lo sợ nên làm theo hướng dẫn của đối tượng xấu, bị sập bẫy lừa đảo.
Nhận diện hành vi lừa đảo, nâng cao cảnh giác
Theo luật sư Đào Nguyên Thuật - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, lừa đảo qua điện thoại hay qua mạng là thủ đoạn không mới nhưng vẫn có rất nhiều người mắc bẫy. Các đối tượng xấu sử dụng mạng xã hội hoặc điện thoại để liên hệ với nạn nhân và mạo danh các tổ chức, cá nhân khác để lừa đảo, hoặc cũng có thể là gửi đường link lạ đến cho nạn nhân để phát tán mã độc, đánh cắp thông tin cá nhân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản…
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, để không tự biến mình thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, người dân phải hết sức cảnh giác. Khi có điện thoại, tin nhắn tự xưng cơ quan nhà nước yêu cầu nộp tiền, chuyển tiền vì bất cứ lý do gì thì không được tin tưởng mà làm theo ngay.
Bởi vì cơ quan nhà nước luôn liên hệ bằng văn bản, luôn làm việc trực tiếp, không trao đổi qua điện thọai. Mặt khác, số điện thoại, emai của cơ quan nhà nước luôn được công khai trên các phương tiện thông tin nên chúng ta dễ dàng biết được người liên hệ với mình có phải kẻ giả mạo hay không.
Trường hợp được mời chào mua bán hàng hóa, kêu gọi quyên góp từ thiện cũng cần hết sức thận trọng. Chúng ta nên mua hàng hóa tại các địa chỉ uy tín trên mạng xã hội, trên các sàn thương mại điện tử lớn và không nên tham rẻ để nhận về hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trước khi bỏ tiền quyên góp từ thiện cho bất cứ tổ chức cá nhân nào trên mạng cũng nên tìm hiểu thật kỹ. Một điều nữa là tuyệt đối không nên truy cập vào các đường link do người lạ gửi đến vì hậu quả khôn lường có thể xảy ra.
Nguy cơ mất thông tin cá nhân như tên tuổi, nơi ở nơi làm việc hoặc nghiêm trọng hơn lộ mật khẩu tài khoản ngân hàng luôn luôn có thể xảy ra. Chúng ta cũng không nên công khai quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội vì nhiều đối tượng có thể lợi dụng thông tin này để thực hiện các hành vi lừa đảo.
“Về quy định pháp luật, người nào dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị kết án về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích và còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội này có thể chịu hình phạt cao nhất là tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhận định.
Cảnh báo chiêu thức lừa đảo qua ví MoMo
Kinhtedothi - MoMo vừa gửi cảnh báo đến người dùng ví điện tử này về hai phương thức lừa đảo đang rộ lên thời gian gần đây.
Lừa đảo qua điện thoại: Chiêu cũ vẫn nhiều người “sập bẫy”
Kinhtedothi - Những cuộc điện thoại, tin nhắn mạo danh lừa đảo xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây. Dù cơ quan công an liên tục cảnh báo nhưng vẫn có không ít người “sập bẫy”.
Ứng phó với lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực ngân hàng
Kinhtedothi - Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các gian lận trong ngân hàng trực tuyến cũng gia tăng đáng kể. Những kẻ lừa đảo đã giăng ra nhiều cái bẫy mới nhằm chiếm đoạt tiền tài khoản.