Cảnh báo mạo danh Cảnh sát giao thông gửi thông báo vi phạm để lừa đảo
Kinhtedothi - Công an TP Hà Nội vừa đưa ra cảnh báo, tái diễn tình trạng một số đối tượng tự xưng là CSGT Công an TP thông báo xử phạt vi phạm đến người dân nhằm mục đích lừa đảo.
Theo Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố tiếp tục tái diễn tình trạng một số người dân nhận được tin nhắn, điện thoại của các đối tượng tự xưng là Cảnh sát giao thông Công an TP thông báo xử phạt vi phạm giao thông.
Các đối tượng đề nghị người dân cung cấp số biên bản, nếu chưa nhận được biên bản, thì cung cấp tên tuổi, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để thông báo số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt.
Các đối tượng sẽ yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng đồng thời yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt.
Thực tế đã có trường hợp, các đối tượng còn yêu cầu người dân cài phẩn mềm Dịch vụ công giả mạo để nộp phạt trực tuyến. Ngay sau khi cài đặt phần mềm giả mạo này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Trước thực trạng này, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Đối với việc xử lý vi phạm giao thông, các đơn vị Cảnh sát giao thông không nhắn tin, không gọi điện thoại yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền hoặc cài đặt phần mềm để nộp phạt trực tuyến.
Trường hợp nếu phát hiện cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ bà 80 tuổi ở Hà Nội suýt mất 300 triệu đồng vì bẫy lừa đảo
Kinhtedothi - Cụ N.T.P. ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ xưng là cán bộ công an, đe dọa rằng cụ liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền. Sau đó, đối tượng yêu cầy cụ rút 307,5 triệu đồng từ sổ tiết kiệm...
Lừa đảo xin biên chế cho giáo viên 3 đối tượng bị phạt 29 năm tù
Kinhtedothi - Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa kết thức phiên xét xử sơ thẩm tuyên án 29 năm tù đối với 3 đối tượng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức xin việc cho giáo viên làm viên chức Nhà nước.
Cảnh báo: chiêu thức lừa đảo ứng trước lương qua ngân hàng
Kinhtedothi - Gần đây, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) đã nhận được nhiều báo cáo về tình trạng giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện yêu cầu hỗ trợ ứng trước lương cho người lao động.