Chặn 441 website lừa đảo trực tuyến
Kinhtedothi - Chỉ trong tháng 9/2023, có đến 441 website vi phạm pháp luật, lừa đảo trực tuyến bị hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia ngăn chặn.
Trong tháng 9 vừa qua, Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT) đã ghi nhận 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến.
Thứ nhất, giả mạo website: Lợi dụng sự kiện ra mắt của Apple để lập các website giả mạo, quảng cáo bán iPhone 15 với khuyến mãi hấp dẫn, đề nghị người mua đặt cọc tiền…; giả mạo website nền tảng Ticketbox lừa đảo bán vé concert Westlife,…
Thứ hai, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/ file nén: Thu thập và đánh cắp thông tin cá nhân của học sinh bằng những đường link “khảo sát”; phát tán mã giới thiệu ứng dụng siêu thị trực tuyến có chứa mã độc,…
Thứ ba, lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR: Mã QR này dẫn tới các trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu nhập thông tin cá nhân, mã OTP; hoặc tới các trang quảng cáo cờ bạc để cài mã độc vào thiết bị của người dùng.
Riêng trong tháng 9/2023, hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia cũng đã ngăn chặn triệt để 441 website vi phạm pháp luật, lừa đảo trực tuyến. Cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng liên tục giám sát, cảnh báo và tổ chức điều phối các doanh nghiệp ISP ngăn chặn các tên miền giả mạo, lừa đảo ngay khi phát hiện.
Cục An toàn Thông tin cũng khuyến cáo người dùng không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng không quen biết, không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử đến từ người gửi không xác định.
Người dùng cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk, .tv… Không truy cập các đường link lạ.
Bên canh đó, người dùng cũng cẩn trọng trước khi quét mã QR Code, đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Hàng loạt thương hiệu lớn bị giả mạo website
Kinhtedothi - Thời gian qua, tình hình tội phạm trên mạng internet, lừa đảo trực tuyến vẫn đang diễn ra phức tạp. Với cách thức tinh vi, nhiều thương hiệu lớn cũng bị giả mạo website làm ảnh hưởng tới uy tín.
Tràn lan website mạo danh bác sỹ, bệnh viện -trách nhiệm của cơ quan quản lý?
Kinhtedothi-Hiện người tiêu dùng đang bị bủa vây bởi thông tin giả: Hàng hoá được quảng bá sai sự thật về chất lượng; xuất hiện nhiều trang web giả mạo thương hiệu... khiến người tiêu dùng "tiền mất tật mang". Người tiêu dùng có quyền yêu cầu và đặt câu hỏi trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Giả mạo website ngoại giao Hàn Quốc làm visa lừa đảo
Kinhtedothi – Phản ảnh với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, doanh nghiệp Du Lịch Việt thông tin về việc website: checkvisa.vn đã đưa những thông tin hình ảnh với chiêu trò lừa đảo “dịch vụ visa”… giả mạo web của Lãnh sự quán Hàn Quốc.