TP Hồ Chí Minh:
Chấn chỉnh việc huy động vốn, phát hành trái phiếu tại các trường ngoài công lập
Kinhtedothi - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh yêu cầu cơ sở giáo dục ngoài công lập tách biệt hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của nhà trường về huy động vốn, phát hành trái phiếu, ký hợp tác đầu tư tài chính và sử dụng con dấu nhà trường đúng mục đích.
Ngày 25/9, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh ra văn bản chấn chỉnh hoạt động các trường ngoài công lập. Theo đó, văn bản chấn chỉnh của Sở GD&ĐT gửi đến các nhà đầu tư, hiệu trưởng các trường ngoài công lập trên địa bàn TP.
Cụ thể, Sở GD&ĐT cho biết, động thái này được đưa ra sau khi nhiều phụ huynh phản ánh Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) tại huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) thực hiện nhiều hình thức huy động vốn của phụ huynh, nhưng hiện không thể trả tiền cho họ theo đúng hợp đồng đã cam kết.
Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tư thục có vốn trong nước phải tách biệt hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của nhà trường về huy động vốn, phát hành trái phiếu, ký hợp tác đầu tư tài chính, phải tách biệt hoạt động doanh nghiệp và nhà trường về huy động vốn, đầu tư tài chính.
Đối với trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài, khi có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung, thay đổi về một trong các nội dung được cấp phép (địa điểm hoạt động giáo dục, nội dung hoạt động giáo dục…), đơn vị phải thực hiện hồ sơ đăng ký điều chỉnh và gửi về Sở GD&ĐT xem xét và thẩm định quyết định cho phép hoạt động giáo dục.
Đối với trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT loại hình tư thục (vốn trong nước). Khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục; đơn vị thực hiện hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục.
Sau thời hạn 2 năm, kể từ ngày quyết định cho phép thành lập có hiệu lực, nếu trường THPT (vốn trong nước) không được cho phép hoạt động giáo dục thì Sở GD&ĐT báo cáo UBND TP quyết định hủy bỏ quyết định cho phép thành lập trường.
Đối với trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài: Khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục; đơn vị thực hiện hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục.
Sau thời hạn 2 năm kể từ ngày quyết định cho phép thành lập có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục không được cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục hết hiệu lực.
“Không tổ chức quảng cáo và tuyển sinh tại địa điểm chưa được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động giáo dục. Các trường phải tuyển sinh số lượng đúng với số lượng được giao chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Hội đồng tuyển sinh chịu trách nhiệm về việc tuyển sinh không đúng quy định” - văn bản của Sở GD&ĐT nhấn mạnh.
Ngoài ra, cơ sở giáo dục phải treo biển tên trường đúng tên được ghi trong quyết định cho phép thành lập của UBND TP hoặc Bộ GD&ĐT.
Thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh, xuất hiện tình trạng trường ngoài công lập bị phụ huynh "quây" đòi nợ do Chủ tịch HĐQT trường ký hợp đồng vay vốn hoặc một số công ty là chủ sở hữu trường học đã lùi thời gian đáo hạn trái phiếu dẫn đến bức xúc trong cha mẹ học sinh.
TP Hồ Chí Minh hiện có 961 trường ngoài công lập, từ mầm non đến THPT với 274.000 học sinh. Trong đó, hơn 20 trường dạy chương trình phổ thông của Anh, Mỹ, Canada, Australia, thường được gọi là trường quốc tế.
Doanh nghiệp Việt ra thị trường quốc tế
Kinhtedothi - Sau Vinfast, một DN Việt khác là Công ty CP VNG đã thông báo đã nộp hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) tại sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ).
Du lịch dịp Quốc khánh 2/9 bùng nổ, cơ hội hồi phục thị trường quốc tế
Kinhtedothi - Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, các điểm du lịch trên cả nước đã đón một lượng lớn du khách đến tham quan, giải trí, nhiều nơi trở nên quá tải. Kết quả này đã đặt ra nhiều hy vọng, ngành du lịch sẽ tiếp tục hồi sinh trong việc thu hút khách quốc tế
Trường quốc tế đóng cửa, chủ “ôm” 14 tỷ đồng học phí về nước
Kinhtedothi-Ngay đầu năm học mới 2023- 2024, Trường quốc tế Chồi Xanh (Green Shoots) bất ngờ thông báo đóng cửa khiến nhiều phụ huynh và học sinh như "ngồi trên đống lửa".