Chật vật cả lượng và chất trong xây dựng các thiết chế văn hóa
100% thôn, làng có nhà văn hóa (NVH) hoặc điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”.
Các quận, huyện đang gấp rút cho tròn chỉ tiêu, nhưng liệu sau này, mỗi thiết chế văn hóa đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng chục tỷ đồng ấy sẽ hoạt động những gì?
“Trắng” nhà văn hóa
Quận Hoàn Kiếm vốn được ví “tấc đất tấc vàng”, nên chẳng dễ gì để chính quyền địa phương bố trí được địa điểm dành riêng cho NVH, chưa nói đúng theo tiêu chuẩn của Bộ VHTT&DL. Các cuộc họp Đảng bộ, tổ dân phố hay hội phụ nữ phường, khu dân cư chỉ có thể nhờ địa điểm các đền chùa: Lý Quốc Sư, Vũ Thạch…, hay các trường học Nguyễn Tri Phương, Trần Phú… “Với quận Hoàn Kiếm, có được NVH hay điểm sinh hoạt công cộng là mơ ước của Nhân dân. Quận gần như trắng NVH cơ sở. Dù nhu cầu rất bức thiết, song Hoàn Kiếm không còn quỹ đất để xây dựng NVH” - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết.
Người dân tìm đọc ấn phẩm trong thư viện Nhà văn hóa thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Ảnh: Thắng Văn |
60 NVH, điểm sinh hoạt văn hóa/123 tổ dân phố đang có ở Nam Từ Liêm khiến quận này là một trong những địa phương đạt mục tiêu thấp của thiết chế văn hóa. Và để hoàn thành được 100% chỉ tiêu như trong nhiệm vụ của Chương trình 04 đề ra, có thể không quá khó. Bởi 5 năm nay, Nam Từ Liêm đã để dành quỹ đất để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa. Chính vì vậy, trong năm 2016, hàng loạt dự án xây NVH của tổ dân phố số 1 và số 2 phường Cầu Diễn, tổ dân phố số 13 phường Mỹ Đình 1… đã được khởi công; nhưng cũng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu và chỉ tiêu đề ra. Hoặc không đến mức trắng NVH cơ sở như quận Hoàn Kiếm, song số NVH hiện có ở quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, thậm chí nhiều tổ dân phố phải sinh hoạt chung một NVH có diện tích vài chục mét vuông. “Đây là một trong những nguyên nhân khiến kết quả xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có chỗ, có nơi chưa được như mong muốn” - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung khẳng định.
Nơi có chủ yếu để... cho thuê
Một thực tế xảy ra nhiều năm gần đây ở Hà Nội là nơi thì thiếu NVH, nơi có rồi lại bỏ hoang hoặc cho thuê sai mục đích. Tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), điểm sinh hoạt văn hóa rộng hàng trăm mét vuông không có mấy công năng văn hóa được thực hiện. Ngoài một phần diện tích dành cho sân bóng, tập thể dục thì diện tích không nhỏ được tận dụng trông xe ô tô. Hoặc tại NVH Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), riêng diện tích dành cho quán café New Win cũng chiếm đến mấy trăm mét vuông. “Theo quy định, NVH là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, hội họp cho cộng đồng dân cư... Trên thực tế, cũng chưa có quy định nào cấm các NVH cho thuê. Hiện nay, Sở VH&TT Hà Nội đang trình TP quy chế hoạt động của NVH, khi đó những vấn đề cho thuê sử dụng dịch vụ như thế nào là đúng mới được quy định rõ ràng” - ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết.
Không đợi quy chế hoạt động của các thiết chế văn hóa được ban hành, vừa qua, quận Hà Đông đã yêu cầu các địa phương có NVH sử dụng không đúng mục đích chấm dứt ngay việc cho thuê địa điểm, chấn chỉnh hoạt động cho đúng chức năng là thiết chế văn hóa cơ sở. Tình trạng cho thuê NVH ở Hà Đông đã dần chấm dứt, nhưng việc tổ chức hoạt động của những NVH này vẫn chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Đáng nói hơn, công trình NVH tổ dân phố 5, phường Đồng Mai được xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng, hoàn thành từ năm 2013 đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, xung quanh cỏ mọc um tùm. Một số NVH khác mới xây dựng ở phường Đồng Mai, Phú Lương… cũng chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn do thiết kế không phù hợp. Trong khi đó, số liệu khảo sát của Phòng VHTT quận Hà Đông cho thấy, 11/22 tổ dân phố ở phường Phú Lương, 7/10 tổ dân phố ở phường Phú La… hiện chưa có NVH hoặc hội trường họp dân. Nhiều NVH, hội trường họp dân xây dựng từ lâu ở phường Nguyễn Trãi, Quang Trung, Yết Kiêu… có diện tích quá nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp cho cộng đồng dân cư trên địa bàn. Tương tự, độ “phủ sóng” NVH ở thị xã Sơn Tây, huyện Gia Lâm, Mê Linh, Thường Tín… đạt từ 70% trở lên, nhưng số NVH thường chỉ dùng để hội họp chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Nhà văn hóa hoạt động theo hướng nào?
Hiện nay, Sở VH&TT Hà Nội đang tiến hành “Nghiên cứu, khảo sát thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho NVH thôn trên địa bàn TP Hà Nội”. Dự án này mới thực hiện thí điểm tại NVH thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa, đơn vị tư vấn dự án cho biết: “Mong muốn của chúng tôi là hoạt động của NVH sẽ khác mọi khi, không mang hướng kỳ cuộc. NVH thôn phải thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân. Chính vì vậy, các thiết chế văn hóa cần thay đổi”.
Sự thay đổi đó bắt đầu từ việc thành lập câu lạc bộ di sản ký ức. Ở đó, người dân có thể kể câu chuyện của riêng mình với mọi người, hoặc đưa ra những kỷ vật. “Ở một số khu phố trong nội thành đã hoạt động theo hướng này. Đó là xu hướng hợp lý trong thời kỳ hiện nay” - ông Huy cho biết. Thời gian đầu, người dân có thể chưa quen với cách thức sinh hoạt văn hóa trên, cơ quan quản lý văn hóa sẽ mời các chuyên gia tư vấn làm việc với Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi… hướng dẫn tìm các kỷ vật, câu chuyện có ngay ở nơi cư trú; cùng biên tập nội dung, tổ chức trưng bày giới thiệu… Ngoài thành lập câu lạc bộ ký ức di sản, tại NVH thôn Đoài còn mở các lớp làm hoa lụa, hoa giấy; câu lạc bộ văn nghệ dân gian, câu lạc bộ khiêu vũ… để mọi người dân tham gia hoạt động. Nếu mô hình hoạt động này của NVH thôn Đoài thành công, Sở VH&TT sẽ nhân rộng triển khai đến các NVH khu dân cư khác.
Hiện nay, Hà Nội có 3.500 NVH hoặc hội trường họp dân. Để đáp ứng tiêu chí 100% thôn, làng có NVH, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng như mục tiêu đề ra cũng sẽ là một vấn đề. Bên cạnh số lượng, quan trọng hơn là cần có sự đổi mới trong việc đầu tư xây dựng cũng như cách thức vận hành hệ thống NVH cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với giai đoạn phát triển mới của Thủ đô và đất nước.
Thiết chế văn hóa không phải là một ngôi nhà hay một hội trường phục vụ cho việc hội họp, sinh hoạt. Hoạt động của thiết chế văn hóa rất đa dạng, phong phú, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để nuôi dưỡng tâm hồn, thể chất con người, góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống” Ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Từ nay đến năm 2020, Hà Nội xây dựng đề án hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ TP tới cơ sở. Đảm bảo 100% thôn, làng có NVH hoặc điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cơ bản có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc NVH ở các tổ dân phố. |