Chống tham nhũng: Không có “vùng cấm” cho những cán bộ sai phạm
Thông báo của UBKT Trung ương Đảng vừa rồi cho thấy Đảng ta rất quyết tâm và không có "vùng cấm" nào trong việc xử lý sai phạm.
Từ ngày 24 - 26/4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 14. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và một số cá nhân có liên quan.
Về nội dung này, phóng viên VOV có phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Ủy viên Hội đồng lý luận TW, Giám đốc Học viện Hành chính khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
PV: Ông có nhận xét gì khi công tác chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta quyết tâm thực hiện?PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Trong những ngày qua, dư luận rất xôn xao và có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quyết định của UBKT Trung ương Đảng về việc thông báo những sai phạm của PVN.
Tôi bày tỏ sự biết ơn Trung ương và sự quyết tâm của lãnh đạo đã chỉ ra những sai phạm của PVN trong thời gian vừa qua bởi việc này hoàn toàn phù hợp và đúng đắn trong tình hình hiện nay.
Với quyết tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sau Nghị quyết Trung ương IV, Đại hội lần thứ XII của Đảng, chúng ta đã quyết tâm đấu tranh chống những hành động tiêu cực. Và việc UBKT Trung ương làm rõ những sai phạm PVN, dù ở lĩnh vực nào, cương vị nào, ở địa phương, thì việc làm đó tất cả nhân dân đều hoan nghênh.
PV: Sự kiên quyết của Ban Bí thư, của UBKT Trung ương Đảng trong việc quyết tâm xử lý tập thể, cá nhân vi phạm, dù cán bộ đó ở cấp nào; cán bộ đương chức hay đã về hưu, điều đó cho thấy sẽ không có “vùng cấm”, không còn nơi dung thân cho những cá nhân sai phạm có tư tưởng “hạ cánh an toàn” sau khi hết nhiệm kỳ hoặc về hưu, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Chắc chắn là như vậy. Thông báo của UBKT Trung ương Đảng về việc chỉ rõ những sai phạm của tập thể và cá nhân trong tổ chức PVN, tôi cho rằng đó là quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước. Những người sai phạm, tiêu cực, tham nhũng nếu rõ ràng như vậy thì cần phải xử lý, để lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
PV: Chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận việc buông lỏng xử lý những sai phạm của những người đứng đầu quá lâu rồi. Đây là sai phạm từ khóa trước (2010 -2015). Theo ông, việc làm trên có đủ sức răn đe đối với cá nhân sai phạm, để lấy lại lòng tin trong nhân dân?
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Thông báo của UBKT Trung ương Đảng vừa rồi cho thấy Đảng ta rất quyết tâm và không có "vùng cấm" nào trong việc sai phạm. Việc Đảng, Nhà nước đưa ra các sai phạm của PVN trong các nhiệm kỳ trước cho thấy rằng Đảng rất quyết tâm. Tuy nhiên, việc công bố mọi quyết định sai phạm thì cần có đủ chứng cứ, thời gian.
Tôi cho rằng, với quyết tâm đó chúng ta phải truy cứu trách nhiệm tất cả cá nhân và tổ chức trong việc sai phạm vừa qua để cho thấy rằng không có vùng cấm nào, lĩnh vực nào mà không thể không làm được.
Theo tôi, bài học rút ra cho công tác xây dựng Đảng hiện nay là: Về công tác tổ chức, không được buông lỏng công tác tổ chức hiện nay. Đặc biệt khi hình thành các tổ chức thì phải theo dõi, giám sát thường xuyên, nếu như có sai phạm thì phải kịp thời xử lý.
Tất cả những người cố tình sai phạm dù ở cương vị nào, dù thời gian nào thì cuối cùng cũng phải chịu án kỷ luật của Đảng, Nhà nước và việc làm đó hết sức thiết thực. Đây là bài học lớn cho tất cả những cán bộ lãnh đạo hiện nay, dù ở cương vị quan trọng từ lớn đến nhỏ phải chú ý đến hành động, hành vi của mình.
Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của người lãnh đạo phải rất cẩn thận, tận tâm với Đảng, Nhà nước. Còn nếu như sai phạm dù ở cấp nào, dù ở thời gian nào cũng phải bị xử lý. Đó là bài học răn đe, thích đáng, không có sai phạm nào có thể được bỏ qua.
Về phía tổ chức Đảng cũng phải hết sức kiên trì. Bài học vừa rồi cho thấy sự kiên trì của tổ chức Đảng trong quá trình điều tra, kiểm tra, đánh giá những hoạt động của PVN vừa qua.
Hiện nay chúng ta có Nghị quyết TW4, khóa XII và Nghị quyết TW 4 khóa XI về chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống. Nếu mọi người tự nhận thức sâu sắc vấn đề đó để cảnh tỉnh, khắc phục sửa chữa thì công tác chống tham nhũng sẽ thành công rất lớn.
Nghị quyết TW 4 vừa rồi được xem là cẩm nang để chúng ta xử lý những hình thức, những vi phạm trong thời gian vừa qua. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay chỉ một mình tổ chức Đảng cũng chưa đủ, nó đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia. Việc mà ta kiên quyết xử lý những cá nhân và tổ chức sai phạm sẽ giúp lấy lại niềm tin trong dân đối với Đảng./.