Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Doanh nhân đừng “thấy sóng cả mà ngã tay chèo”

Kinhtedothi - “Bây giờ là lúc thử thách bản lĩnh của DN hơn lúc nào hết. Tôi mong muốn doanh nhân “đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, cần có niềm tin, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”. Đó là lời nhắn nhủ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới các doanh nhân Việt Nam tại buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam chiều 7/10.

Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao ý kiến của các doanh nhân, đại diện hiệp hội. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cả 12 ý kiến đều rất thiết thực và mang tính xây dựng cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại biểu doanh nhân chiều 7/10. Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch Quốc hội, thông qua báo cáo của VCCI, ý kiến của các doanh nhân hôm nay cũng như qua theo dõi cho thấy, dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với chủng mới Delta rất nguy hiểm, lây lan rất nhanh đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Sức khỏe của DN, của người dân bị bào mòn về vật chất, tinh thần, mất mát rất lớn về tài sản, tính mạng. Do đó, các cơ quan của Đảng, Chính phủ Quốc hội, MTTQ, các đoàn thể luôn chia sẻ với khó khăn của người dân và DN. Nội dung của Hội nghị T.Ư 4 vừa bế mạc cũng nêu rất đậm về vấn đề này. Một mặt ghi nhận, đánh giá rất cao, biểu dương sự đoàn kết, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có cả đội ngũ DN, doanh nhân.

“6 tháng tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức 5,6%, mặc dù quý 3/2021 giảm sâu, nhưng sau 9 tháng vẫn tăng trưởng dương, xuất khẩu cũng tăng, thu ngân sách hơn 80%... Điều này đã chứng tỏ sức chống chịu kiên cường của Việt Nam nói chung và của DN nói riêng” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ sự tin tưởng: “Bây giờ là lúc thử thách bản lĩnh của DN hơn lúc nào hết. Tôi mong muốn doanh nhân “đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, cần có niềm tin dù có khó khăn đến đâu thì cũng chỉ là trước mắt, tạm thời. Với truyền thống đoàn kết, sự kiên cường của dân tộc và của đội ngũ DN doanh nhân, chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, các DN cần rà soát năng lực quản trị của từng DN, để thấy đâu là điểm yếu cần khắc phục, đâu là điểm mạnh cần phát huy. Bởi qua đợt dịch này cho thấy, DN nào có năng lực quản trị tốt sẽ vượt qua khó khăn và trụ vững.

Đánh giá về VCCI và cộng đồng DN Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sau 17 năm thành lập và sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-BCT của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nập quốc tế, có thể nói nhận thức của toàn xã hội đối với vị trí, vai trò của đội ngũ DN, doanh nhân đã được nâng lên một tầm mới. Đội ngũ DN, doanh nhân có vai trò quan trọng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội như giải quyết việc làm, ổn định đời sống, đóng góp vào thu ngân sách Nhà nước.

Đảng, Nhà nước, Chính Phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhấn mạnh về sự đồng hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với đội ngũ DN, doanh nhân, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách pháp luật để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ cho DN và doanh nhân; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

 Quang cảnh buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI và các đại biểu doanh nhân chiều 7/10. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, các mối quan hệ trong cộng đồng DN với các cơ quan Nhà nước có sự gắn kết hơn; môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong những năm vừa qua đã có sự cải thiện rõ rệt; hệ thống pháp luật đã được cải thiện nhiều, tạo nhiều cơ hội cho DN đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là thể hiện thực chất hơn về quyền tự do kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, minh bạch về điều kiện kinh doanh…

Dẫn chứng cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ chính trị, riêng pháp luật liên quan đầu tư kinh doanh, Quốc hội các khóa đã thông qua 72 Luật và Pháp lệnh cũng như các nghị quyết liên quan đến doanh nhân và DN, trong đó có những bộ Luật hết sức quan trọng. Chẳng hạn như: Luật Doanh nghiệp 2014, sửa đổi bổ sung 2020; Luật Đầu tư 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020, Luật Phá sản 2014; Luật Cạnh tranh 2018; Luật Đấu thầu, Luật Cạnh tranh, Luật hỗ trợ DNNVV 2018…

“Các bộ Luật này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư kinh doanh bình đẳng. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh không cần thiết” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong 10 năm qua, DN phát triển rất mạnh về số lượng, tăng về quy mô; hàng hóa của các DN ngày càng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Nhiều DN có thương hiệu, có uy tín, có các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia; nhiều doanh nhân được xếp hạng tỷ phú thế giới.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao việc phát triển Đảng trong các DN và các thành phần kinh tế khi hiện nay, có nhiều DN tư nhân có tới 200 đảng viên như tập đoàn Sunhouse hay Tập đoàn Thành Công có Đảng bộ phát triển mạnh.  

Ghi nhận sự đóng góp to lớn của VCCI, Chủ tịch Quốc hội dành lời khen: “Thời gian qua, VCCI đã thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh doanh nhân. Cùng với đó, VCCI đã chủ động xây dựng chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, cải tiến và nâng cao năng suất lao động của Việt Nam; phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ đề án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030.”

Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị tại buổi gặp gỡ. Ảnh: TTXVN

VCCI là đầu mối hiến kế về chiến lược tổng thể phục hồi, phát triển doanh nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung

Về các kiến nghị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, VCCI tổng hợp đầy đủ ý kiến gửi đến các cơ quan chức năng và Ban thường vụ Quốc hội.

“Quốc hội đặt hàng VCCI là đầu mối hiến kế về chiến lược tổng thể về phục hồi, phát triển DN nói riêng và kinh tế nói chung. Cụ thể là về nội dung chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ… để Ban cán sự Đảng, Chính phủ điều chỉnh với liều lượng hợp lý để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như hỗ trợ cho phát triển DN, kích thích phục hồi nền kinh tế” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cộng đồng DN cần chuyển sang trạng thái sản xuất, kinh doanh “thích ứng an toàn với đại dịch (sống chung với đại dịch). DN cũng cần nghiên cứu hiến kế xem nếu không thưc hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” thì thực hiện cách nào cho phù hợp với trạng thái bình thường mới mà vẫn bảo đảm mục tiêu kép. Do đó, DN cần chủ động trong vấn đề phòng dịch, bảo đảm an toàn sản xuất, an toàn lao động, về phía chính quyền cần tăng hậu kiểm.

Đưa ra các gợi ý đối với VCCI, Chủ tịch Quốc hội đề nghị VCCI khẩn trương nghiên cứu xu hướng kinh doanh của hậu Covid như thế nào? Cơ hội nào đối với kinh nền kinh tế hậu Covid? Cách thức vượt qua rủi ro do rắc rối về pháp lý về hợp đồng, hợp tác kinh doanh ra sao? Những ngành nào có cơ hội bứt phá trong bối cảnh đại dịch? Tất cả các “kế sách” này cần được hoàn thiện sớm để đóng góp dự thảo tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm tới.

Về kiến nghị hoàn thiện pháp luật, chính sách, cải thiện thể chế của các DN, Chủ tịch Quốc hội đề nghị VCCI đổi mới việc lấy ý kiến DN, hiệp hội đánh giá các Luật dự thảo trên tinh thần bài bản, kỹ lưỡng để tránh tình trạng Luật vừa Ban hành xong đã, DN đã phản ánh bất cập.  

Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ sự tin tưởng, với tinh thần đoàn kết, cộng đồng DN Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn để chiến thắng đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi kinh tế của đất nước.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ