Có bất đồng trong cuộc điện đàm của lãnh đạo Trump - Putin?
Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà đồng cấp Nga Vladimir Putin đã thảo luận về loạt vấn đề nóng hiện nay hôm 3/5.
Trả lời báo giới tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump cho biết đã cùng Tổng thống Putin điện đàm "rất hữu ích", kéo dài hơn một giờ, về khả năng hình thành hiệp ước hạn chế vũ khí mới có thêm sự tham gia của Trung Quốc, nỗ lực thuyết phục Triều Tiên từ bỏ hạt nhân hay mối bất hòa chính trị ở Venezuela và Ukraine...
Hiệp ước START mới năm 2011 - thỏa thuận duy nhất giữa Mỹ và Nga có khả năng hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược được triển khai của 2 cường quốc - sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, tuy nhiên nhiều khả năng có thể được gia hạn thêm 5 năm nếu 2 bên đồng ý.
Tổng thống Trump viện dẫn chi phí duy trì kho vũ khí hạt nhân của Mỹ như một yếu tố thúc đẩy việc Washington muốn hạn chế số lượng vũ khí được triển khai, đồng thời tiết lộ việc Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán thương mại gần đây đã tỏ ý muốn cùng Mỹ và Nga hạn chế vũ khí hạt nhân.
Hai nhà lãnh đạo cũng được cho là đã trao đổi ngắn gọn về báo cáo điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ của công tố viên đặc biệt Robert Mueller - đã kết luận Tổng thống Trump không thông đồng với Moscow trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
"Ông Putin có vẻ thích thú", ông Trump nói hôm 3/5. Phía Điện Kremlin thì cho biết, 2 vị nguyên thủ đã đồng ý duy trì liên lạc ở các cấp độ khác nhau và bày tỏ sự hài lòng về tính chất xây dựng trong suốt cuộc gọi được bắt đầu bởi Washington.
Tuy nhiên, khác biệt trong quan điểm về Venezuela đã bật nổi thông qua chia sẻ của hai bên, với việc Mỹ lo ngại về sự hiện diện của quân đội Nga tại Venezuela vào thời điểm Washington muốn Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phải rời bỏ quyền lực, bên cạnh việc ông Trump nhấn mạnh rằng Caracas cần mở cửa với hàng cứu trợ.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin tuyên bố với ông Trump rằng bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài nào vào hoạt động nội bộ của Venezuela đều làm suy yếu triển vọng chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện tại ở quốc gia Nam Mỹ.
Ngoài ra, Tổng thống Trump được cho là đã đề cập nhiều lần về tầm quan trọng của Nga trong việc đẩy mạnh và tiếp tục gây áp lực lên Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa.