Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Cô giáo trẻ nguy kịch vì ong "lạc" vào mũ bảo hiểm

Vừa úp chiếc nón bảo hiểm lên đầu, cô giáo trẻ bị 1 con ong đốt trúng vành tai phải. Khoảng 20 phút sau, nạn nhân bắt đầu hoa mắt, chóng mặt, khó thở, sốt, nôn ói rồi rơi vào hôn mê.

Ngày 19/3, thông tin từ khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại đây đang điều trị cho Phạm Thị Thúy Q. (23 tuổi, hiện là giáo viên mầm non, ngụ tại An Giang) được bệnh viện địa phương chuyển đến ngày 12/3 trong tình trạng suy hô hấp do tổn thương phổi nặng, suy đa cơ quan.
Sốc phản vệ khiến cô giáo trẻ lâm vào nguy nan sau vết đốt của ong
Khai thác bệnh sử ghi nhận, ngày 10/3, sau giờ dạy học cô Thúy Q. ra về. Trong lúc đội chiếc nón bảo hiểm lên đầu, cô bị một con ong đậu trong nón (không rõ loại ong gì) đốt 1 vết vào vành tai phải. Sau khi bị đốt, cô kể với đồng nghiệp về cảm giác đau nhức của mình và cố gắng điều khiển xe gắn máy về nhà. Khoảng 20 phút kể từ khi bị ong đốt, nạn nhân bắt đầu lên cơn sốt, kèm nôn ói, khó thở rồi ngất xỉu.
Gia đình nhanh chóng đưa cô đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Sau 2 ngày nằm viện, tình trạng bệnh không thuyên giảm mà có biểu hiện nặng thêm, bệnh nhân rơi vào hôn mê, máu trào ra theo ống nội khí quản, các bác sĩ phải chuyển người bệnh lên Chợ Rẫy.
Theo BS chuyên khoa II Phan Thị Xuân - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy, người bệnh ngay lập tức được sử dụng thuốc vận mạch liều cao, chỉ định chạy ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể) kết hợp với lọc máu liên tục và thở máy. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã cai được ECMO nhưng tình trạng tổn thương đa cơ quan còn nặng (thận bệnh nhân vẫn chưa hoạt động trở lại, phổi còn yếu) nên phải tiếp tục lọc máu, thở máy và điều trị tích cực.
Phân tích chuyên môn từ BS Xuân chỉ ra, cơn nguy cấp bệnh nhân gặp phải là do sốc phản vệ. Tình trạng trên thường xảy ra ở những người có cơ thể quá mẫn cảm với nọc độc của ong với các biểu hiện đau nhức, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, nôn ói, tiêu chảy, rối loạn ý thức, hôn mê.
Trước đó, vào tháng 11/2016, cô giáo P.T.T. công tác tại một trường trung học phổ thông thuộc huyện đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang cũng rơi vào nguy kịch do bị 70 vết đốt của ong vò vẽ và hiện đã bình phục, xuất viện.
Các bác sĩ cảnh báo, nọc ong có các chất gây độc thần kinh cao gây tiêu cơ vân, hoại tử tế bào, dẫn tới suy thận cấp, tổn thương đa cơ quan, nguy cơ tử vong cao.
Do đó, trường hợp chẳng may bị ong đốt, cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng; nhanh chóng lấy những chiếc ngòi ong có nọc độc ra khỏi cơ thể; làm giảm đau nhức bằng cách chườm nước đá, bôi vôi tôi hoặc mật ong lên vết thương và nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên sâu càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

16/01/2025 | 13:49

Kinhtedothi - Gần đây, số ca mắc cúm, viêm phổi, viêm phế quản do các loại vi khuẩn, virus nhập viện tăng cao, chủ yếu là các bệnh nhi, người lớn trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu, có bệnh nền. Đáng nói, nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh, trở nặng, nhập viện muộn.

Tin tài trợ