Cơ hội nào cho bất động sản chăm sóc sức khỏe?
Kinhtedothi - Các dòng sản phẩm bất động sản (BĐS) chăm sóc sức khỏe giúp cải thiện đời sống tinh thần con người, và mang lại tính bền vững cho môi trường. Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển lĩnh vực này với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, đã có buổi trò chuyện cùng phóng viên báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ về vấn đề này.
Dịch vụ sức khỏe là một ngành lớn, bao gồm y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng hay dưỡng lão. Ông Matthew Powel cho rằng bất cứ tiện ích nào dành cho sức khỏe của một dự án bất động sản đều có lợi, góp phần thu hút một lượng khách hàng nhất định.
Tại châu Á, Thái Lan là nước tiên phong trong lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe, với sự hiện diện của nhiều thương hiệu cung cấp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng trị liệu, spa và yoga. Bali, Indonesia cũng là điểm đến hấp dẫn nhờ tập trung đầu tư vào khía cạnh tinh thần con người. Việt Nam đang trở thành điểm sáng với sự gia nhập của những thương hiệu cung cấp dự án khách sạn nghỉ dưỡng, tập trung vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe, như chuỗi khách sạn Fusion.
Theo báo cáo tháng 12/2021 của Viện Sức khỏe Toàn cầu (GWI), ngành du lịch chăm sóc sức khỏe toàn cầu dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất giai đoạn 2020 - 2050, đạt mức 20,9%. Trong đó, nguồn khách du lịch ngoại quốc là một trong những nhóm đối tượng chính thúc đẩy sự phát triển của ngành. Với quyết định mở cửa du lịch, Việt Nam sẽ chào đón lượng khách quốc tế quay trở lại. Đây là nhóm đối tượng có nhu cầu và sở thích đặc biệt. Từ đó, chuyên gia Savills đưa ra những kỳ vọng về sự phát triển của thị trường BĐS nghỉ dưỡng, đặc biệt là phân khúc chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Theo ông, trong các dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, phân khúc nào hiện đang sở hữu nhiều cơ hội tăng trưởng tại Việt Nam?
-Ông Matthew Powell: Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển BĐS dành cho người cao tuổi. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường này bao gồm: đô thị hóa, thay đổi phong cách sống, hay thay đổi cấu trúc gia đình. Xét về các yếu tố khác, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cũng dần cao hơn. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng về nhu cầu đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi. Yêu cầu của họ khá đa dạng, từ những cơ sở vật chất chuyên biệt phù hợp với thay đổi về sức khỏe đến những dịch vụ chăm sóc 24/7 cho người có vấn đề về tinh thần hay thể chất. Có thể họ không ở trong bệnh viện nhưng vẫn cần một không gian với sự quan tâm và cơ sở vật chất, dịch vụ đặc biệt.
Không gian đó có thể được xây dựng theo mô hình BĐS cho thuê hoặc nhà để bán. Dòng sản phẩm này đã tồn tại ở Anh và các quốc gia khác với những đặc điểm khá giống với mô hình BĐS hàng hiệu. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, hình thức bất động sản này còn khá mới. Theo truyền thống, người Việt thường muốn chọn mua nhà để sống gần bố mẹ. Vậy nên sẽ có một số hạn chế về mặt địa điểm.
Mặt khác, tiềm năng phát triển của loại hình BĐS này đến từ nguồn khách ngoại quốc. Hiện nay, trên thế giới có nhiều người về hưu và họ đang tìm kiếm địa điểm để đi nghỉ với hệ thống chăm sóc sức khoẻ phù hợp. Họ sẽ muốn đến các địa điểm như: Đà Nẵng, Phú Quốc hay gần các sân golf, trung tâm thể thao với mục đích nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, những dịch vụ về y tế hay chăm sóc sức khỏe cũng được đặc biệt chú ý và quan tâm.
Hiện tại, Việt Nam đã có sẵn nhóm khách hàng quốc tế từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Các quốc gia như Malaysia đang thu về lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ phân khúc này nhờ áp dụng loại visa đặc biệt cho người về hưu, và cho phép giảm thuế nhập khẩu các trang thiết bị y tế. Những chính sách này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đặc biệt, với chương trình “Ngôi nhà thứ hai”, Malaysia đang thu về khoản lợi nhuận đáng kể từ đó.
Nhìn chung, tiềm năng để phát triển BĐS dành cho người về hưu tại Việt Nam là rất lớn. Không chỉ phục vụ khách nội địa, các sản phẩm này sẽ đáp ứng nhu cầu sẵn có từ khách quốc tế muốn đi du lịch và nghỉ dưỡng.
Để đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, đặc biệt trong BĐS nghỉ dưỡng, nhà đầu tư cần đưa ra những điều chỉnh về chiến lược sản phẩm như thế nào, thưa ông?
-Chúng tôi tin rằng việc hợp tác với một đơn vị quản lý BĐS giàu kinh nghiệm sẽ giúp nâng tầm chất lượng dịch vụ và tạo ra điểm khác biệt cho các dự án khu nghỉ dưỡng. Với kinh nghiệm làm việc cùng nhiều đơn vị quản lý vận hành nổi tiếng trên thế giới, chúng tôi hiểu rằng giá trị mà những doanh nghiệp này mang lại là thương hiệu. Du khách khi nhìn thấy những thương hiệu quản lý quen thuộc sẽ cảm thấy tin tưởng và an tâm về dịch vụ hơn. Họ đem đến dịch vụ chất lượng cao, tương xứng với giá trị thương hiệu của mình. Những đơn vị này sẽ có tiêu chuẩn cụ thể về quy trình quản lý, vận hành, đào tạo nhân sự, yêu cầu tiện ích và thiết kế cơ sở vật chất. Khi tham gia vào các dự án BĐS nghỉ dưỡng, họ sẽ đầu tư bài bản nhằm đảm bảo các yếu tố đạt yêu cầu do thương hiệu đề ra.
Tuy chi phí có thể đắt đỏ hơn so với mặt bằng chung, nhưng đổi lại, các đơn vị quản lý khách sạn có thể giúp nhà phát triển thu về lợi nhuận cao hơn trong dài hạn do đây là mô hình thành công từ trước.
Trong thời gian qua, chúng tôi ghi nhận trong thị trường đang xuất hiện nhiều dự án khu nghỉ dưỡng thuộc phân khúc cao cấp bên cạnh những phân khúc tầm trung. Trong đó, BĐS hàng hiệu có chất lượng xây dựng và quản lý tốt nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các thương hiệu quốc tế đang tỏ ra mong muốn gia nhập thị trường Việt Nam. Chúng tôi vẫn đang làm việc trực tiếp với những đơn vị vận hành và nhà phát triển để đưa ra giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất, đặc biệt khi Việt Nam sẽ có thể đón về nhiều lượt khách quốc tế trong thời gian tới.
Bàn về tương lai dài hạn, Việt Nam nên khai thác ngành du lịch chăm sóc sức khỏe và cụ thể là BĐS nghỉ dưỡng như thế nào để tránh hiện tượng “ăn xổi”?
- Để có thể phát triển lâu dài, thị trường nghỉ dưỡng của Việt Nam nên chú ý đến yếu tố bền vững. Thay vì xây dựng các dự án với quy mô lớn, nhà đầu tư cần quan tâm đến các vấn đề liên quan tới môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong khâu thiết kế.
Những sản phẩm không phù hợp với cảnh quan địa phương và không gắn với đặc điểm khu vực cũng sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng. Tại một số địa điểm, chúng tôi nhận thấy nhiều dự án thi công đã không còn giữ được cảnh quan tự nhiên vốn có, khiến du khách không còn cơ hội trải nghiệm. Để tránh trường hợp đó, các nhà phát triển dự án nghỉ dưỡng tại Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi cách mà các nước khác đã triển khai xây dựng nhằm bảo tồn vẻ đẹp cũng như lợi thế tự nhiên của khu vực. Đó mới chính là yếu tố thu hút khách thăm quan.
Tóm lại, khoảng trống vẫn còn tồn tại trong thị trường BĐS du lịch tại Việt Nam. Đặc biệt, trong khi khách nước ngoài, bao gồm nhóm người cao tuổi, đang sẵn sàng lựa chọn Việt Nam, chăm sóc sức khỏe là phân khúc cần được chú ý để định hướng phát triển theo chiến lược rõ ràng. Đây cũng là một ngành đặc thù, yêu cầu những sản phẩm riêng biệt và phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Bởi vậy, giới đầu tư nên tập trung xây dựng các dự án sở hữu chất lượng dịch vụ cao, được quản lý bởi thương hiệu có danh tiếng. Trong quá trình thi công, nhà đầu tư cũng nên khai thác, tận dụng những đặc điểm sẵn có tại địa phương. Nhờ vậy, ngành du lịch nói chung và bất động sản nói riêng mới thu hút được khách một cách bền vững, hướng tới những giá trị lâu dài trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Quản lý chặt đấu giá bất động sản
Kinhtedothi - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 4/4, PV Hiếu Công (Zingnews) đặt câu hỏi: Hiện tại giá đất ở nhiều nơi trên cả nước tăng rất nhanh, liệu có hiện tượng sốt đất và tình trạng bong bóng bất động sản xảy ra hay không?
57 doanh nghiệp bất động sản kêu cứu
Kinhtedothi - Hơn 60 dự án nhà ở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị "đứng hình" hàng chục năm qua vì những vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính, gây ảnh hưởng nặng nề cho DN và người dân.