Cơ hội “vàng” cho kinh tế Trung Quốc
Kinhtedothi - Kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, có thể giúp nền kinh tế Trung Quốc đạt hoặc vượt nhẹ mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm nay.
Kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng” (Golden Week) của Trung Quốc đã bắt đầu từ ngày 29/9 (Tết Trung thu), sau đó sẽ là kỳ nghỉ Quốc khánh đến hết ngày 6/10.
Giới chức Trung Quốc dự đoán lượng khách du lịch kỷ lục dịp “Tuần lễ vàng” sẽ giúp đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi tình trạng ảm đạm sau đại dịch.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC Fred Neumann nói với tờ Financial Times: “Đợt nghỉ Tuần lễ vàng năm nay sẽ là một thử thách. Bên cạnh việc đến nhà hàng và thưởng thức một bữa ăn ngon cùng bạn bè, vấn đề cần quan tâm đặc biệt là liệu người dân Trung Quốc có mạnh tay sắm mới thiết bị gia dụng, ô tô, hay căn nhà mới hay không”.
Truyền thông Trung Quốc dự đoán sẽ có khoảng 190 triệu hành khách di chuyển bằng đường sắt, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, lưu lượng giao thông trên đường cao tốc hàng ngày dự kiến sẽ tăng 40% trong cùng kỳ.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, kỳ nghỉ Tuần lễ vàng năm 2023 sẽ tiếp nối những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Trung Quốc sau khi nước này rơi vào tình trạng giảm phát vào tháng 7 và xuất khẩu suy yếu.
Dữ liệu vừa được Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy hoạt động sản xuất tại các nhà máy trong tháng 9 đã tăng lần đầu tiên trong 6 tháng qua.
Theo các nhà phân tích của Citibank, trong tháng 8, giá tiêu dùng đã phục hồi mức tăng trưởng dương, còn lợi nhuận công nghiệp cũng quay đầu leo dốc 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 7/2022 và đạt mức cao nhất từ tháng 11/2021.
Quan trọng nhất, doanh số bán nhà mới tại 30 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã phục hồi trong tháng 9, dù các giới phân tích ảnh báo rằng xu hướng này còn mong manh khi số lượng nhà mới xây vẫn giảm.
Dan Wang - nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc, cho biết các lễ hội trước đó trong năm nay, bao gồm Kỳ nghỉ lễ 1/5 và Lễ hội thuyền rồng, đã giúp doanh thu du lịch tăng cao hơn so với trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mức tiêu dùng trung bình của mỗi người lần lượt giảm 10% và 14% trong 2 dịp nghỉ lễ trên.
“Lần này tín hiệu dường như khả quan hơn khi lượng đặt vé máy bay quốc tế và đặt vé máy bay nội địa đều vượt mức năm 2019. Tôi tin Tuần lễ vàng năm nay sẽ đem lại kết quả tích cực hơn” - chuyên gia Wang đánh giá.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn thận trọng nói rằng nền kinh tế Trung Quốc chỉ có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những tháng cuối năm với điều kiện lĩnh vực bất động sản tăng trưởng ổn định trở lại.
Trong khi đó, thị trường bất động sản Trung Quốc tuần qua tiếp tục chịu sức ép sau khi China Evergrande Group, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, thông báo Chủ tịch Hứa Gia Ấn đang bị điều tra vì nghi ngờ "tội phạm bất hợp pháp".
Theo các chuyên gia kinh tế, Tuần lễ Vàng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng cao, dẫn đến đà phục hồi mạnh trong quý IV và có thể giúp nền kinh tế Trung Quốc đạt, hoặc vượt nhẹ mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm nay. Nhưng họ cũng cho rằng hoạt động bất động sản cần phải tăng tốc để phục hồi bền vững niềm tin của người tiêu dùng.
Tristan Zhuo - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng China Citic Tristan Zhuo, nhà kinh tế trưởng tại China Citic, cho biết: “Tuần lễ Vàng năm nay được dự báo là một trong những kỳ nghỉ bận rộn nhất từ trước đến nay của người dân Trung Quốc. Cùng với đó, lĩnh vực sản xuất cũng đang bắt đầu ổn định trở lại. Mặc dù vậy, tôi vẫn đánh giá yếu tố quan trọng nhất để giúp Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay là lĩnh vực bất động sản”.
4 điểm yếu của nền kinh tế Trung Quốc
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Thống đốc Ngân hàng trung ương Dịch Cương và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc đã công khai phản ánh những nguy cơ mà hệ thống tài chính của nền kinh tế thứ 2 thế giới đang phải đối mặt.
Nền kinh tế Trung Quốc có thực sự phục hồi sau đại dịch?
Kinhtedothi - Nền kinh tế Trung Quốc dường như đang cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, cần phải thận trọng với những nguy cơ tiềm ẩn.
Trung Quốc sẽ xây dựng trung tâm logistics khổng lồ ở Nga
Kinhtedothi - Một tập đoàn Trung Quốc vừa công bố dự án xây dựng trung tâm logistics khổng lồ ở vùng Viễn Đông của Nga để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữa hai nước.