Có nên trông chờ "lão tướng" Lee Nguyen?
Kinhtedothi-Chính sách tuyển dụng ngoại binh của TP.HCM năm ngoái được coi là thất bại, điểm sáng duy nhất là Công Phượng. Việc bộ đôi tiền đạo triệu đô người Costa Rica – Ortiz và Ariel thi đấu không thành công nên Ariel phải rời Việt Nam và Lee Nguyễn được đưa về để đá cặp với Ortiz.
CLB TP.HCM đã kết thúc mùa giải 2020 với vị trí thứ 5, không đạt mục tiêu đề ra ban đầu là tốp 3 nên HLV Chung Hae-seong phải ra đi, nên HLV mang hai dòng máu Đức – Brazil Polking được mời về thay. Do đến Việt Nam muộn nên chắc chắn HLV Polking không thể trực tiếp tham gia mua bán cầu thủ.
Nỗi lo tuổi tác
Cầu thủ sinh năm 1986 đang thi đấu cho New England tại giải nhà nghề Mỹ MLS, đang tạm đứng thứ 8. Lee Nguyen mang áo số 24, đá hộ công trong đội hình 4-2-3-1 được coi là tương đồng với lối đá của TP.HCM hiện nay, vị trí năm ngoái của Công Phượng. Sở dĩ Lee Nguyen được chọn vì anh đã có 3 mùa bóng thi đấu tại V.League trong màu áo HAGL (2009) và B.Bình Dương (2010-2011).
Lối đá hiện đại dựa trên nền tảng kỹ thuật cá nhân được đào tạo cơ bản của Lee Nguyễn được đánh giá khá cao. Nhưng việc anh không đứng vững tại sân cỏ Việt Nam chủ yếu là do quan hệ cá nhân với các HLV và đồng đội.
Cầu thủ sinh năm 1986 đang thi đấu cho New England tại giải nhà nghề Mỹ MLS. Ảnh CLB |
Nhưng rõ ràng điểm rơi phong độ của cầu thủ này đã qua, đỉnh cao là mùa giải 2014, anh ghi cho New England tới 20 bàn thắng. 3 mùa giải gần đây, Lee Nguyễn chỉ có duy nhất 1 bàn thắng vì chủ yếu ngồi ghế dự bị. HLV B.Arena của New England chỉ bố trí anh đá đủ 90 trong 14 trận đấu mùa giải này và chủ yếu làm vai trò kiến tạo hơn là ghi bàn.
Theo lịch phải tới ngày 8/1/2021, Lee Nguyễn mới có mặt tại Việt Nam. Anh phải trải qua 14 ngày cách ly, tức tới 22/1 mới ra mắt đội bóng mới, chưa kể có đủ thể lực để xỏ giày vào đá ngay không. Với tuổi tác đã 34 tiền vệ từng khoác áo đội tuyển Mỹ 9 trận (274 phút) liệu có đủ thể lực để đá V.League hay không là một câu hỏi lớn? Nhất là khi khá nhiều câu lạc bộ V.League dùng hậu vệ ngoại binh có thể lực tốt, thể hình to cao.
Cái giá phải trả
Với bản hợp đồng nửa triệu USD cho mùa bóng này, tính ra mỗi trận ra sân của Lee Nguyễn CLB TP.HCM tốn đến 22.000 USD, một con số không hề nhỏ. Trong khi đó trong quá khứ chính TP.HCM khi định hợp đồng với chân sút cao 1m89 Renan Marques (Brazil từng đá cho các CLB ngoại hạng ở Thái Lan như Air Force, Chonburi, Shukhothai,...mức lương cũng chỉ 25.000 USD, phí chuyển nhượng thấp. Hiện nay, các chân sút ngoại tốt nhất tại V.League cỡ Geovane Mago cũng chỉ dao động 18.000-20.000 USD.
Với tuổi tác đã 34 tiền vệ từng khoác áo đội tuyển Mỹ 9 trận (274 phút) liệu có đủ thể lực để đá V.League hay không là một câu hỏi lớn? Ảnh CLB |
Thực tế cho thấy, nếu chỉ nhận lương cao mà không đóng góp nhiều vào chuyên môn thì sự xuất hiện của Lee Nguyễn trên sân Thống Nhất chỉ làm cho nội bộ đội bóng thêm phức tạp, đó là một thực tế mà chính cầu thủ có dòng máu Việt này đã từng lâm phải.
Rốt cuộc Lee Nguyễn là bản hợp đồng thương mại hay là một mảnh ghép cần thiết của đội chủ sân Thống Nhất chúng ta còn phải chờ. Nhưng với những cách tuyển binh như TP.HCM trong thời gian qua, từ thời Chủ tịch Lê Công Vinh đến Nguyễn Hữu Thắng người ta chưa thấy sự khả quan nào.