Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật vừa được Quốc hội thông qua

Kinhtedothi- Sáng nay, 25/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 gồm: Luật Tài nguyên nước; Luật Nhà ở; Luật Căn cước; Luật Viễn thông; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở.

Quang cảnh cuộc họp báo

Cấp, quản lý căn cước điện tử

Trong đó, Luật Căn cước năm 2023 có 7 chương, 46 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, quy định mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước so với Luật Căn cước công dân năm 2014 để trực tiếp phục vụ việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin người dân.

Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ” thành “số định danh cá nhân, căn cước, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú trên thẻ căn cước”… tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin tại cuộc họp báo

Cấp, quản lý căn cước điện tử là nội dung mới so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Luật Căn cước năm 2023 quy định, mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 căn cước điện tử, có giá trị tương đương như thẻ căn cước sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

Tại cuộc họp báo, thông tin thêm về việc cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước khi luật có hiệu lực có khó khăn gì không, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong quy định của Luật rất rõ, trong cổng dịch vụ công đã có mục cấp lại trong trường hợp bị mất thì có thể cấp online. Người dân có thể dùng tài khoản định danh, bổ sung thông tin và sẽ được cấp lại, bởi thông tin các dữ liệu sinh trắc học đang còn có giá trị. 

Tuy nhiên, sau một thời gian tương đối dài, khi công dân yêu cầu cấp lại việc khai báo online thu thập các thông tin cần thiết. Nhưng việc thu thập sinh trắc học phải đến cơ quan công an nơi gần nhất để thu thập, bởi vì ở đó có những phương tiện để ghi nhận được các dữ liệu về sinh trắc học, để đảm bảo đúng, đủ về dữ liệu sinh trắc học này. Cho nên việc làm online là là rất hạn chế.

Bổ sung thêm một số chính sách để tăng cường quản lý nhà chung cư

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gồm 10 chương, 83 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, có một số điểm mới liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật; các loại bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức cá nhân khi kinh doanh bất động sản; chính sách về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin tại họp báo

Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 198 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Trong đó, có những điểm mới cơ bản liên quan đến chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh; phát triển nhà ở; cải tạo, xây dựng lại chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở; quản lý sử dụng nhà chung cư…

Liên quan đến vấn đề quản lý, vận hành chung cư, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện giữa cư dân với chủ đầu tư, nhất là tranh chấp quyền sở hữu chung, sở hữu riêng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân, chất lượng công trình, tiến độ bàn giao nhà… Để khắc phục điều này, Luật Nhà ở đã bổ sung thêm một số chính sách để tăng cường quản lý nhà chung cư.

“Trong luật đã bổ sung một số quy định về xác định sở hữu chung, sở hữu riêng trong trường hợp hợp đồng không ghi rõ để làm sao để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Thứ hai, cũng bổ sung quy định xác định phần sở hữu chung đối với các thiết bị, cấu kiện gắn liền với các công trình. Thứ ba, bổ sung các quy định trường hợp nhà chung cư có nguồn thu từ việc khai thác dịch vụ đối với phần sở hữu chung thì phải nộp vào tài khoản bảo trì do Ban quản trị quản lý để bảo trì nhà chung cư theo quy định” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết. 

Thêm giải pháp xử lý sim rác

Luật Viễn thông năm 2023 gồm 10 chương, 73 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Đáng chú ý, về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet, Luật Viễn thông năm 2023 đã quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá. Luật cũng bổ sung quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông phải xác thực, lưu trữ, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các sim có thông tin không đầy đủ, không chính xác (sim rác), ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long thông tin tại họp báo

Tại họp báo, trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề Luật Viễn thông đã quy định việc quản lý sim rác, ngăn chặn tin nhắn rác, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an khi xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm đúng thông tin thuê bao. Đúng chính chủ hay không cần phải có thêm thời gian để làm sạch. Trong Luật Viễn thông trước đây không quy định trách nhiệm của nhà mạng và trách nhiệm của người dân trong thông tin thuê bao. Trong Luật lần này quy định chặt chẽ hơn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thông tin thêm, trước đây, khi chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì không biết là thông tin thuê bao có đúng hay không. Bây giờ có rồi, chúng ta kiểm soát được như: phải đăng ký online, phải đối soát và nhìn thấy hình ảnh, khuôn mặt thì chúng ta mới làm được. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng lạm dụng, tức là người dân được thuê đứng tên đăng ký thông tin thuê bao. Như vậy, vẫn còn tình trạng sim không chính chủ tràn lan.

“Bộ cũng yêu cầu trách nhiệm của người dân cùng tham gia vào và không được làm những việc như thế. Thứ hai nữa là quy định rõ trách nhiệm của nhà mạng. Trước đây, với nhà mạng, chúng ta chỉ lưu trữ đủ hồ sơ, giấy tờ chứ không có xác thực. Hiện nay quy định trách nhiệm của nhà mạng tham gia cùng đồng hành để xác thực thông tin thuê bao. Như vậy thì kết hợp giữa trách nhiệm của người dân, trách nhiệm của nhà mạng, tôi nghĩ rằng sẽ giải quyết được triệt để vấn đề sim rác, tin nhắn rác trong thời gian tới”- Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

 

 

Không hợp thức hóa sai phạm chung cư mini trong Luật Nhà ở (sửa đổi)

Không hợp thức hóa sai phạm chung cư mini trong Luật Nhà ở (sửa đổi)

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ