Công bố loạt vi phạm của lãnh đạo EVN, PVN, TKV về cung ứng điện
Kinhtedothi – Sáng 12/7, Bộ Công Thương đã công bố kết luận thanh tra chuyên ngành về cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan.
Trước tình hình xảy ra gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6/2023, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517/CĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành đột xuất về quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị có liên quan (giai đoạn từ 1/1/2021 - 1/6/2023). Bộ đã thành lập Tổ giám sát hoạt động thanh tra tại Quyết định số 1378/QĐ-BCT ngày 08/6/2023.
Trong gần một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật về thanh tra, Đoàn Thanh tra đã hoàn thành các nội dung theo đề cương và đã có báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương kết quả thanh tra.
Kết luận thanh tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023 của EVN và các đơn vị có liên quan như sau:
Chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; Chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện;
Không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Quyết định, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng;
Điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm;
Vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023;
Để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6 năm 2023, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất-kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.
Từ những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Bộ Công Thương đã đề nghị và yêu cầu:
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (theo phân cấp quản lý nhà nước) căn cứ Kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với Hội đồng thành viên EVN, các cá nhân có liên quan.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ Kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với Ban Tổng Giám đốc, các Ban tham mưu, các đơn vị thành viên và cá nhân, tập thể có liên quan.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, căn cứ Kết luận thanh tra, chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực - TKV, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tập thể, cá nhân vi phạm có liên quan.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than căn cứ Kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm (nếu có).
Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp trong quản lý và điều hành cung cấp điện nêu tại Kết luận Thanh tra, chủ động khắc phục các tồn tại, hạn chế kịp thời, không để tình trạng thiếu điện, tiết giảm điện trong thời gian tới.
Về phía Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than cũng phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm (nếu có).
Trước đó, ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN giai đoạn từ 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023 theo yêu cầu trước đó của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương yêu cầu EVN, PVN, TKV và các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp trong quản lý và điều hành cung cấp điện nêu tại Kết luận Thanh tra, chủ động khắc phục các tồn tại, hạn chế kịp thời, không để tình trạng thiếu điện, cắt điện trong thời gian tới.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng cuối tháng 6 vừa qua, EVN cho biết, từ cuối tháng 5 đến nay, việc cung ứng điện gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo được nguồn cung nên đã phải thực hiện điều hòa phụ tải và tiết giảm điện. Việc cắt điện nhằm đảm bảo an ninh, an toàn vận hành hệ thống điện.
Từ đầu tháng 6, EVN tiến hành tiết giảm điện. Công suất tiết giảm trung bình từ ngày 3-8/6 là 2.500-3.000MW, đến giai đoạn từ 9-15/6 giảm xuống còn 2.000-2.500MW và giai đoạn từ 15-22/6 là 1.200-2.000MW.
Từ ngày 8-22/6, lượng công suất tiết giảm đối với khu vực Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt, trong đó có 7 ngày không thực hiện tiết giảm, các ngày còn lại chỉ tiết giảm khoảng 15-45MW, chiếm 0,5-1,5% công suất sử dụng của TP Hà Nội.
Từ ngày 23/6, EVN cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống nguồn điện miền Bắc không có công suất dự phòng nên thời gian tới, nếu xảy ra tình huống cực đoan như sự cố các nguồn điện lớn ở khu vực miền Bắc, sự cố đường dây truyền tải 500kV Bắc - Trung... có thể sẽ phải tiết giảm điện cục bộ ngắn hạn trong thời gian khắc phục các sự cố.
EVN lý giải, việc tiết giảm điện dẫn đến cắt điện thời gian qua do tác động của hạn hán, nước về hồ thuỷ điện suy giảm đột ngột dẫn đến thiếu hụt sản lượng thuỷ điện. EVN sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải tiết giảm điện trong thời gian qua để rút kinh nghiệm, khắc phục. EVN đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác với Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia Nguyễn Đức Ninh để phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành.
Bộ Công Thương đang chậm báo cáo thanh tra điện mặt trời
Kinhtedothi – Dù 2 lần dự thảo kết quả thanh kiểm tra về điện mặt trời gửi lãnh đạo Bộ Công Thương để báo cáo Thủ tướng. Nhưng đến nay, lãnh đạo Bộ vẫn chưa ký.
Gợi mở hướng giải bài toán thiếu điện
Kinhtedothi – Từ thực tế miền Bắc thiếu điện nghiêm trọng, các chuyên gia nhà quản lý đã tập trung chia sẻ, phân tích, đưa ra các giải pháp tìm cách tháo gỡ tại toạ đàm “Giải bài toán thiếu điện: Cách nào?”
Giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6/2023
Kinhtedothi - Kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.