Công nhận Trung tâm thiết kế sáng tạo, gắn với phát triển du lịch
Kinhtedothi - Sở Công Thương Hà Nội vừa trao Giấy chứng nhận Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cho xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) đạt tiêu chí 3 sao.
Mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo sẽ gồm các không gian trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm, khu vực tổ chức hội thảo thiết kế sáng tạo sản phẩm, không gian trình diễn, trải nghiệm và thông tin các sản phẩm, chụp các mẫu sản phẩm bảo đảm tính thẩm mỹ cao…
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) Hoàng Quân cho biết, mục tiêu của trung tâm là nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề. Đồng thời xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế đến sản xuất tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống làng nghề gắn với du lịch góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn.
Mô hình cũng tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ qua đó, sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề. “Việc công nhận mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại xã Phú Nghĩa là động lực quan trọng giúp thúc đẩy sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm ở làng nghề mây tre đan”- ông Quân nhấn mạnh.
Thông tin từ huyện Chương Mỹ cho thấy, hiện trên địa bàn huyện có 175/206 làng có nghề, trong đó có 36 làng nghề được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống, với các ngành nghề, mộc, điêu khắc đá, thêu ren… Đáng chú ý, ngành mây tre đan của huyện chiếm tới 27/36 làng được công nhận làng nghề truyền thống, hiện 85% dân số trong địa phương đều biết làm mây tre đan truyền thống.
Riêng xã Phú Nghĩa có 7/7 làng làm nghề mây tre đan với 90% số hộ tham gia, trong đó có 3 làng Phú Vinh, Quan Châm, Khê Than được công nhận là làng nghề. Toàn xã Phú Nghĩa có 17 công ty kinh doanh hàng thủ công truyền thống; số hộ biết sản xuất hàng thủ công chiếm 85% tổng hộ dân trong toàn xã.
Nhằm hỗ trợ các làng nghề quảng bá tiêu thụ sản phẩm trong năm 2024, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 297/KH-UBND về Phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội 2024. Theo đó sẽ công nhận từ 5 đến 10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn thành phố.
Du lịch làng nghề, hướng đi đúng của Sơn Tây
Kinhtedothi - Thị xã Sơn Tây được quy hoạch thành đô thị vệ tinh của TP với tính chất là đô thị văn hóa lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, du lịch làng nghề được đánh giá là một trong những lĩnh vực tiềm năng nhất mang đến sức bật cho du lịch địa phương này.
Du lịch làng nghề ngổn ngang việc phải làm
Kinhtedothi - Hiện nay, ở một số địa phương, du lịch làng nghề vẫn chưa được khai thác tương xứng tiềm năng. Để du lịch làng nghề thu hút du khách đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người làng nghề.
Hiến kế để huyện Phú Xuyên phát triển du lịch làng nghề
Kinhtedothi - Chiều 26/4, Sở Du lịch Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức Hội nghị “Nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch và kết nối điểm du lịch huyện Phú Xuyên với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023”.