Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Cử tri Hà Nội kiến nghị 38 nhóm vấn đề

Kinhtedothi - Tổng hợp ý kiến của cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV của Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội cho thấy, có 38 nhóm vấn đề được cử tri Hà Nội gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư.

Đề nghị khắc phục vỏ bọc “đúng quy trình”

Trong đó, về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ để Luật sau khi ban hành sớm đi vào thực tế cuộc sống. Đồng thời, cử tri cũng có những kiến nghị về một số Dự Luật cụ thể.
 Cử tri Nguyễn Đức Hòa (quận Ba Đình) phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội ngày 13/5. Ảnh: Thanh Hải
Cử tri đề nghị Quốc hội sớm thảo luận và thông qua Luật Biểu tình để có căn cứ hướng dẫn người dân thực hiện quyền công dân Hiến định, cũng như có chế tài xử lý nghiêm các hoạt động biểu tình trái phép, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội; Đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng quy định cấp huyện loại 2, loại 3 có 3 Phó Chủ tịch UBND; cấp xã loại 2, loại 3 có 2 Phó Chủ tịch UBND; quy định HĐND cấp xã có tổ đại biểu để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của HĐND

Về công tác giám sát, xây dựng chính quyền, cử tri Hà Nội mong muốn các cấp lãnh đạo tăng cường đối thoại với Nhân dân, “vi hành” xuống với dân, sớm giải quyết các kiến nghị, không chờ đến khi tình hình phức tạp mới đến với dân.

Cử tri cũng nhận định công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng từ sau Đại hội Đảng XII có chuyển biến, nhưng còn nhiều thách thức, rào cản do một số cán bộ lãnh đạo không gương mẫu, thiếu quan tâm, sâu sát, chui vào vỏ bọc “quy trình”. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có các giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn về công tác này. Đưa ra thực trạng những năm gần đây, nhiều địa phương, bộ ngành đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ là những người kém tài, kém đức, là người nhà, người thân của lãnh đạo, gây bức xúc trong xã hội, cử tri đề nghị các cơ quan chức năng xem xét nghiêm túc và xử lý trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu các cơ quan này. Đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, khắc phục vỏ bọc “đúng quy trình” như hiện nay.

Trước việc thời gian gần đây tại một số tỉnh, TP chi số tiền lớn mua quà tặng nhân dịp lễ, dịp kỷ niệm ngày thành lập, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước, cử tri đề nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo mạnh hơn nữa để tránh tình trạng lãng phí này. Cử tri cũng thể hiện bức xúc trước tình trạng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp, đề nghị Quốc hội chỉ đạo, giám sát Chính phủ trong việc xử lý tài sản tham nhũng, đặc biệt là đối với các vụ án lớn đã được đưa ra xét xử gần đây.

Cũng liên quan đến việc giám sát, cử tri đề nghị Chính phủ có cơ chế rõ ràng về thẩm định, giám sát chặt chẽ các dự án, tránh tình trạng thu hồi đất xong lại bỏ hoang, không triển khai thực hiện.

Lo lắng trước các vấn đề dân sinh

Hàng loạt vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh đang gây bức xúc trong dư luận được cử tri Hà Nội kiến nghị tới Quốc hội. Như việc nhiều DN kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo, một số vụ việc kéo dài, phạm vi rộng, gây thiệt hại lớn cho người dân, nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, siết chặt việc cấp phép kinh doanh. Đồng thời giám sát chặt, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Kiến nghị Chính phủ cần triển khai bài bản, điều hành khoa học và quản lý sát sao, hiệu quả gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp công nghiệp cao, nông nghiệp sạch. Đề nghị các Ngân hàng khoanh nợ cho các hộ chăn nuôi lợn thua lỗ, tạo điều kiện để các hộ tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất

Trước thực tế hiện nay người nông dân gặp nhiều khó khăn do sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi không tiêu thụ được hoặc bán với giá rất rẻ như dưa hấu, chuối, thịt lợn..., cử tri cho rằng, các giải pháp tháo gỡ tuy đã có nhưng chỉ mang tính giải quyết tình thế, không căn cơ. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ cho người chăn nuôi và có giải pháp tổng thể về quy hoạch sản xuất, dự báo thị trường, bao tiêu sản phẩm... đảm bảo cho người dân yên tâm sản xuất. Đồng thời Nhà nước sớm có chính sách phù hợp hạn chế việc nhập khẩu tràn lan sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo sản xuất trong nước phát triển

Trong các kiến nghị gửi tới Kỳ họp Quốc hội lần này, cử tri Hà Nội cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể về chế độ chính sách với cán bộ cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài… Mong muốn các bộ, ngành cần nghiên cứu các giải pháp tổng thể xử lý thực trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm tiếp tục gia tăng. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh giải pháp về định hướng đầu vào, đầu ra; xuất khẩu lao động, học nghề.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ