Cứu ca trù khỏi... gẫy đoạn
Kinhtedothi - Trong suốt 3 ngày (11 - 13/11), khi tiếng phách, tiếng đàn, câu hát của 35 đào nương, kép đàn trẻ vang lên trong Nhà Thái Học, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều nghệ nhân đã gật đầu công nhận: Di sản ca trù chưa thoát khỏi tình trạng "khẩn cấp", nhưng cũng không dễ mất đi.
Lần đầu tiên, Liên hoan ca trù Hà Nội dành cho người trẻ nhưng không làm khán giả thất vọng.
Ca trù của trẻ lên 7
Lúc đầu, rất nhiều người bảo Hà Nội liều khi mở bảng thi dành cho thí sính từ 6 - 15 tuổi ở Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016. Cho dù ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, nhưng thực tế chỉ có điểm diễn ở đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) là đón khách quốc tế dịp cuối tuần, còn lại tại các câu lạc bộ (CLB) khu vực ngoại thành như: CLB ca trù thôn Chanh, CLB ca trù Lỗ Khê… chỉ rộn ràng khi nghệ nhân động viên con cháu tham gia giữ di sản. Cũng bởi vì ca trù kén người hát và kén cả người nghe. Ở Hà Nội, không chỉ có lớp nghệ nhân ở tuổi ngoài 80 Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Thị Vượn biết động viên con và cháu gái hát ca trù; nghệ nhân trẻ Nguyễn Thị Huệ cũng biết truyền nghề cho cô con gái nhỏ Nguyễn Hà Phương ngay từ khi mới lên 5 tuổi. Thế nên, sau 2 kỳ Liên hoan ca trù Hà Nội là cuộc so tài của các CLB, đến kỳ thứ 3, Sở VH&TT Hà Nội chính thức mở được bảng thi cho tài năng ca trù trẻ.
Trong số 35 thí sinh dự thi đào nương, kép đàn tài năng năm nay có tới 22 thí sinh trong độ tuổi từ 6 - 15. Trong đó, người nhỏ tuổi nhất là đào nương Nguyễn Thục Trinh, 7 tuổi, đến từ CLB ca trù Lỗ Khê, huyện Đông Anh. Theo người nhà của Thục Trinh, từ khi lên 6, thay vì hát các bài hát thiếu nhi như: “Cháu yêu bà”, “Chiếc đèn ông sao”…, cô bé lại say mê các làn điệu ca trù: “Múa hát Bỏ bộ”, “Tỳ bà Hành” hay “Thét nhạc”… Tham gia Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần này, Thục Trinh khiến người nghe ngạc nhiên về cách lấy hơi, nhả chữ không khác gì người lớn. “Trong nhà có bà và bố cháu tham gia sinh hoạt CLB ca trù Lỗ Khê. Mỗi tối khi bà và bố đi học hát, cháu xách đèn đi theo. Nghe nhiều thành ra thích và đam mê hát” – Thục Trinh chia sẻ. Niềm vui của đứa trẻ mới bước vào lớp 1 đang bập bẹ học chữ là hàng ngày dạy ca trù cho các bạn cùng lớp: “Cháu dạy hát các bạn học theo, dù hát không đúng lắm nhưng cũng khiến chúng cháu đủ vui trong các giờ ra chơi. Đối với các bạn hát ca trù khó vì thời gian học ít, còn cháu thấy dễ vì cứ cách ngày cháu lại đến nhà cô Phạm Thị Mận – người sinh hoạt cùng CLB học hát” – Thục Trinh cho biết thêm. Nhìn đứa trẻ 7 tuổi tự tin biểu diễn cùng các anh, các chị, ai cũng mừng cho một lớp ca trù nhí đang được ươm mầm trong các CLB ca trù Hà Nội.
Sẽ biểu diễn trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm
Hà Nội nâng tẩng số CLB từ 9 lên 14 trong 7 năm không phải là con số nở rộ như suy nghĩ của người yêu ca trù khi di sản mới được thế giới công nhận. Nhưng giữ và duy trì được 14 CLB này cũng là nỗ lực của Sở VH&TT Hà Nội cùng các địa phương. Trên thực tế, nhiều địa phương tổ chức đào tạo hàng chục lớp, mỗi lớp vài chục người nhưng đào nương, kép đàn trẻ rơi rụng dần; chỉ còn lại vài người ở lại với ca trù. “Lớp trẻ hiện nay hát ca trù theo kiểu học thuộc lòng là chính. Nên số người học ca trù có thể không ít nhưng từ năm 2014 đến nay, CLB ca trù Lỗ Khê mới chỉ đào tạo được 15 – 16 cháu đạt chuẩn hát ca trù” - ông Nguyễn Văn Đạm - Chủ nhiệm CLB ca trù Lỗ Khê chia sẻ.
Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, sau liên hoan lần này, Sở sẽ hỗ trợ phát triển ca trù bằng cách tạo điều kiện cho các CLB có điểm biểu diễn ở không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và trong phố cổ Hà Nội. Đồng thời, Sở cũng hỗ trợ kinh phí giảng dạy, truyền nghề cho thế hệ trẻ, hỗ trợ các điểm sinh hoạt, đề xuất chế độ cho các nghệ nhân ca trù. Ngoài ra, khi đề án kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội được TP thông qua, Sở VH&TT Hà Nội sẽ xây dựng các đề án nhỏ, trong đó có phát triển ca trù. Khi đó, công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật ca trù sẽ được đồng bộ và cụ thể hơn. Tạo nhiều điểm diễn cho ca trù ở những khu phố đông người, bảo tồn có chiến lược là những niềm hy vọng giữ được di sản ca trù với mạch dài của tương lai, không còn bị gẫy đoạn như trước đó.
Chiều 13/11, Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016 đã bế mạc. Kết quả, ca nương Nguyễn Thu Thảo (giáo phường Ca trù Thái Hà) và Đinh Thị Vân (CLB Ca trù Lỗ Khê, huyện Đông Anh) đã đoạt giải tài năng xuất sắc. Giải A thuộc về Đoàn Linh Hương (CLB Ca trù Thăng Long); Nguyễn An Khánh, Hoàng Anh Thái Phương (giáo phường Ca trù Thái Hà); Vũ Thùy Linh (nhóm Ca trù Phú Thị, huyện Gia Lâm). Ngoài ra, Ban Tổ chức Liên hoan còn trao giải tài năng trẻ tuổi nhất cho em Nguyễn Thục Trinh (7 tuổi, CLB Ca trù Lỗ Khê); giải A tập thể cho CLB Ca trù Thăng Long và giải B tập thể cho CLB Ca trù Chanh Thôn (huyện Phú Xuyên) và nhiều giải thưởng khác. |