Đà Nẵng chưa sắp xếp, quy hoạch hơn 1.600 nhà, đất công
Kinhtedothi - Trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có 1.629 cơ sở nhà, đất công chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ô nhiễm môi trường.
Tại Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa X diễn ra ngày 13/7, đại biểu Trần Thắng Lợi (Tổ đại biểu HĐND quận Sơn Trà) cho biết, qua rà soát quỹ nhà, đất công trên địa bàn thì hiện có 1.644 cơ sở nhà, đất công. Trong đó, có 3 cơ sở nhà, đất, khu đất không thuộc đối tượng sắp xếp lại, 12 cơ sở nhà, đất, khu đất UBND TP đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý.
“Như vậy, hiện có đến 1.629 cơ sở chưa phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định số 167 ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công” - ông Trần Thắng Lợi nói.
Từ thực trạng trên, ông Trần Thắng Lợi đề nghị HĐND TP có ý kiến chỉ đạo UBND TP sớm triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất công theo thẩm quyền, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định.
Cụ thể, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm trong việc thống kê, tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà, đất đối với từng cơ sở nhà, đất để lập phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định, tránh tình trạng thống kê không đầy đủ, bỏ sót tài sản.
Đồng thời, Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành rà soát việc tích hợp Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở sắp xếp, xử lý nhà đất chính thức tiếp theo theo quy định.
Đối với các cơ sở nhà, đất đang giao cho các sở, ngành quản lý và cho thuê, ông Trần Thắng Lợi đề nghị rà soát kỹ lại thời hiệu hợp đồng đối với từng đơn vị nhà, đất.
“Xem xét, quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc ký tiếp hợp đồng đúng quy định. Các cơ sở nhà đất cho thuê phải đảm bảo có trong đề án sắp xếp nhà, đất công sản được các cấp thẩm quyền phê duyệt và thực hiện quy trình thủ tục cho thuê theo quy định” - đại biểu HĐND TP cho ý kiến.
Đối với những lô đất dự kiến thu hồi và chuyển cho các địa phương sử dụng vào mục đích hoạt động cộng đồng, đại biểu Trần Thắng Lợi đề nghị các địa phương có phương án quy hoạch, đầu tư, quản lý, sử dụng hiệu quả của các khu đất.
Song song đó, cần nghiên cứu hình thức xã hội hóa để nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm nguồn đầu tư từ ngân sách trong điều kiện khó khăn về ngân sách trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, làm rõ dự kiến thời gian đầu tư, tránh việc thu hồi để không gây lãng phí, nhếch nhác, ô nhiễm môi trường.
“Đơn cử như khu đất tại Bệnh viện Phục hồi chức năng TP. Hiện nay đã chuyển về phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), còn cơ sở cũ nằm ở vị trí đắc địa mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) hiện không có phương hướng sắp xếp, xử lý dẫn đến lãng phí, gây mất mỹ quan”, ông Trần Thắng Lợi nêu ví dụ.
Đối với việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá, đại biểu Trần Thắng Lợi đề nghị hoàn thành thủ tục pháp lý tất cả các tài sản, đất đai dự kiến đấu giá và tổ chức đấu giá công khai đúng quy định của pháp luật.
Với các nhà, đất, đơn vị cho thuê, cho mượn phải hoàn thiện những cơ sở pháp lý về đất, tiến hành thu hồi và bàn giao cho đơn vị có chức năng quản lý, khai thác theo quy định.
Kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng khá
Kinhtedothi - Khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã phục hồi mạnh mẽ, có nhiều khởi sắc, nhất là lĩnh vực du lịch. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng trưởng khá.
Án tham nhũng ở Đà Nẵng tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022
Kinhtedothi - UBND TP Đà Nẵng cho biết, số vụ án tham nhũng, chức vụ trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2022 được phát hiện tăng cao, nhiều vụ gây thiệt hại số tiền lớn.
Vì sao dự án Làng Vân ở Đà Nẵng không khởi công đúng kế hoạch?
Kinhtedothi - Dự án Làng Vân phấn đấu khởi công vào dịp 2/9/2022 nhưng không thể thực hiện đúng kế hoạch do vướng điều chỉnh quy hoạch.