Đằng sau sự thăng hạng môi trường kinh doanh
Việt Nam tiếp tục thăng hạng về môi trường kinh doanh, xếp thứ 82 trong tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát về mức độ cải thiện kinh doanh theo báo cáo vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.
Đó là tin đáng mừng. Mừng vì việc Việt Nam tăng tới 9 bậc trong bảng xếp hạng này chính là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh những năm qua, khi 3 năm liền, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về nội dung này.Dù chưa được như kỳ vọng, bởi ở cấp thực khi đôi khi vẫn có sự chậm trễ, nhưng nhờ những chuyển biến tích cực trong các tiêu chí thương mại biên mậu, đóng thuế, đặc biệt là bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà “điểm cộng” đã được dành cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Việt Nam quyết tâm xây dựng “Chính phủ kiến tạo” nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp |
Nhờ vậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn không ngừng tăng trưởng. Nhờ vậy, theo kết quả khảo sát mới nhất do United Overseas Bank (UOB) của Singapore tiến hành, Việt Nam được bầu chọn là điểm đến hấp dẫn thứ ba tại châu Á đối với các doanh nghiệp châu Á. Còn tính riêng tại Đông Nam Á, Việt Nam là lựa chọn sáng giá thứ nhì (chỉ sau Singapore). Cũng nhờ vậy, Chỉ số Niềm tin kinh doanh kinh doanh (BCI) quý III/2016 của các doanh nghiệp châu Âu, do Amcham vừa công bố, đã đạt mức 84, tăng 10 điểm so với quý trước đó.Những thay đổi trên là rất tích cực, khả quan đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Nhưng cũng vẫn còn nhiều việc phải làm, khi báo cáo của WB cho thấy, cùng với những “điểm cộng”, thì Việt Nam đã có sự thụt lùi trong các tiêu chí liên quan đến xin giấy phép xây dựng, vay vốn và đáng chú ý là tiêu chí về thành lập doanh nghiệp (giảm tới 10 thứ hạng).Dù đánh giá cao những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các nền kinh tế, song chính các chuyên gia của WB cũng khuyến nghị rằng, các nền kinh tế trong khu vực vẫn phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong nước. Việt Nam không là ngoại lệ khi còn nhiều điểm thua sút các nền kinh tế trong khu vực về mức độ cạnh tranh. Tại Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) diễn ra vào giữa tuần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng một lần nữa khẳng định rằng, Việt Nam cần cải tự thay đổi để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh lên mức hàng đầu ASEAN, chứ không chỉ ở nhóm CLMV.Thông điệp đã được Thủ tướng Chính phủ phát đi rằng, Việt Nam quyết tâm xây dựng “Chính phủ kiến tạo” nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ nỗ lực bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực theo hướng tăng cường đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh…Thực tế, đây cũng chính là những vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam phải giải quyết trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mà phải làm sao giải quyết một loạt điểm nghẽn, tái cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế, của quốc gia. Điều này càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, khi những thông tin được Chính phủ công bố tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV cho thấy, nợ xấu vẫn là “cục máu đông”, nợ công đang tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua… Đó còn là tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng đang đi những bước đi chậm chạp.Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất kế hoạch tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, với tổng ngân khoản dự kiến lên tới 10,5 triệu tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn lực từ Nhà nước chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu này, thì phải huy động từ các nguồn lực xã hội khác, cả trong và ngoài nước. Không thể huy động được vốn nếu Việt Nam không tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thông thoáng để người dân và doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền đầu tư một cách an toàn, hiệu quả. Cũng không thể huy động được ngân khoản khổng lồ đó nếu Chính phủ không tạo được niềm tin của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp, của nhà đầu tư đối với nền kinh tế, với Nhà nước, với Chính phủ…Điều đó có nghĩa, Việt Nam cần quyết tâm cải cách tổng thể nền kinh tế, chứ không chỉ riêng nỗ lực nhằm thăng hạng môi trường kinh doanh.