Đánh thức tiềm năng du lịch Sơn Tây
Kinhtedothi - Được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt, thị xã Sơn Tây có lợi thế lớn để phát triển du lịch, dịch vụ.
Độc đáo miền đất xứ Đoài cổ kính
Thị xã Sơn Tây từ lâu đã được biết đến với nhiều di tích lịch sử. Đến nay, thị xã có 244 di tích; 78 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 74 di tích được xếp hạng với 16 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 58 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, thị xã Sơn Tây rất quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm.
Du khách đến với Sơn Tây sẽ không thể không ghé thăm những địa điểm nổi tiếng như: Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu du lịch hồ Đồng Mô.
Bên cạnh đó, hiện nay, thị xã đã có thêm nhiều địa điểm thu hút đông khách tham quan như: Chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn, chùa Linh Thông… Đặc biệt là sự kết nối giữa các điểm tham quan du lịch tín ngưỡng với hệ thống nhà hàng, resort kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến địa bàn.
Sơn Tây đang sở hữu làng cổ Đường Lâm, ngôi làng cổ được đánh giá là “độc nhất vô nhị” của cả nước, nơi đã và đang bảo tồn được tương đối đầy đủ nét văn hóa của vùng văn minh châu thổ sông Hồng.
Làng cổ Đường Lâm hội tụ đầy đủ các yếu tố hấp dẫn để níu chân du khách khi tại đây có 21 di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với các danh nhân, anh hùng dân tộc. Trong làng, còn rất nhiều ngôi nhà cổ được làm bằng đá ong độc đáo có tuổi đời hơn 100 năm.
Những năm gần đây, nhiều ngôi nhà cổ ở Đường Lâm được phát triển thành những “homestay” để đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhà cổ ở đây vẫn giữ được gần như nguyên trạng những nét cổ kính, mang đến sức hút rất lớn cho khách du lịch.
Trong một buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây về tình hình, kết quả công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội diễn ra vào cuối năm 2021 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thị xã Sơn Tây có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, động lực phát triển của thị xã trong những năm tới là những giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tâm linh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị thị xã Sơn Tây nghiên cứu, khơi thông những giá trị phi vật thể của văn hóa xứ Đoài thành những sản phẩm cụ thể từ đó gìn giữ, bảo tồn, nhân rộng, phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế du lịch. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của TP, thị xã Sơn Tây phải phát huy nội lực, tập trung đầu tư tạo đột phá về hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, thiết chế văn hóa, hạ tầng du lịch... tạo động lực cho thị xã phát triển.
Cần đánh thức tiềm năng để khơi dậy nguồn lực
Để phát huy hơn nữa nguồn lực nội tại để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chiều 4/4 vừa qua, thị xã Sơn Tây tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trên địa bàn.
Mục đích của hội nghị là Đảng bộ và chính quyền thị xã Sơn Tây nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để từ đó có giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, đại diện nhiều doanh nghiệp, đơn vị như: Công ty CP Tập đoàn Picenza, Công ty TNHH một thành viên Lâm Ký, Công ty CP Xuân Hòa, Hợp tác xã dịch vụ vận tải du lịch Xuân Nội, Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp Sơn Đông... đã “trải lòng” về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong thời gian qua, đồng thời kiến nghị nhiều ý kiến đề nghị thị xã và các sở, ngành, TP xem xét, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.
Nhiều DN cho rằng, muốn phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thị xã Sơn Tây cần tập trung phát triển công nghiệp bởi công nghiệp sẽ mang đến những sức bật lớn cho cho nền kinh tế.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, theo quy hoạch của TP, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển theo hướng trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội, trong đó tập trung vào phát triển du lịch, dịch vụ. Đây cũng là thế mạnh của địa phương, bởi Sơn Tây có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cũng như cảnh quan thiên nhiên ưu đãi. Trong đó, nổi bật là Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, hồ Đồng Mô...
Ông Trần Anh Tuấn khẳng định, Đảng bộ và chính quyền thị xã Sơn Tây sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển sản xuất kinh doanh. Sự lớn mạnh của các DN cũng chính là nguồn lực lớn để kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
105 công dân thị xã Sơn Tây lên đường nhập ngũ
Kinhtedothi - Năm 2022, thị xã Sơn Tây có 105 công dân lên đường nhập ngũ, trong đó 80 công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và 25 công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an Nhân dân.
Duyệt nhiệm vụ quy hoạch 5 phân khu đô thị tại thị xã Sơn Tây
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa ban hành các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị tại các phường Trung Hưng, Phú Thịnh, Viên Sơn và Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây.
Hơn 400 tiểu thương thị xã Sơn Tây được trang bị kỹ năng chữa cháy, thoát nạn
Kinhtedothi – Lãnh đạo Công an thị xã Sơn Tây cho biết, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra và xử lý liên quan đến an toàn PCCC trên địa bàn. Góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của các hộ kinh doanh tại chợ, siêu thị…