Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đấu giá biển số xe: Làm thế nào cho đúng và trúng?

Kinhtedothi - Đấu giá biển số xe là chủ trương đúng đắn và đáp ứng nhu cầu có thật của một bộ phận không nhỏ chủ phương tiện. Tuy nhiên, làm như thế nào để vừa đúng, vừa trúng và hạn chế được tiên cực là điều quan trọng nhất.

Đấu giá biển số xe là chủ trương đúng.

Hai phương án đấu giá biển số xe

Sau một thời gian tạm lắng xuống, những ngày gần đây, câu chuyện xoay quanh chủ trương đấu giá biển kiểm soát (biển số) xe lại nóng lên khi đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá của Bộ Công an sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3 tới đây.

Theo đề án, sẽ có hai phương án cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá. Một là quy định người trúng đấu thầu biển số xe được sử dụng song không được phép chuyển nhượng biển số trúng đấu giá. Phương án này tương tự quy định hiện hành.

Phương án thứ hai, người trúng đấu giá biển số xe được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp biển số trúng đấu giá. Như vậy, người dân sở hữu biển số, khi bán phương tiện vẫn có thể giữ biển số lại để đăng ký cho phương tiện khác.

Bộ Công an đánh giá, phương án một giúp đảm bảo công tác quản lý Nhà nước đối với biển số xe trúng đấu giá nhưng có hạn chế là hiệu quả đấu giá sẽ không cao.

 

“Tôi ủng hộ việc đấu giá biển số xe nhưng nên có điều kiện người tham gia đấu giá phải đang có một chiếc ô tô cụ thể, chỉ chờ gắn biển. Việc cho người chưa có ô tô tham gia đấu giá chẳng khác gì làm thủ tục khai sinh cho đứa con chưa đẻ ra. Theo tôi, vấn đề chuyển nhượng, cho tặng, thế chấp biển số xe không nên thực hiện. Còn nếu được phép, khoản tiền thu được từ thuế chuyển nhượng nhiều khi cũng không bù đắp được hệ lụy từ việc chúng ta không quản lý được ô tô”. - Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Khương Kim Tạo

Còn phương án hai giúp việc đấu giá biển số đạt hiệu quả cao hơn, tài sản công sẽ được khai thác tối ưu song lại tạo ra thị trường mua bán hoặc đầu cơ biển số. Điều này đòi hỏi cách quản lý biển số trúng đấu giá sẽ khác biệt hoàn toàn với cách quản lý biển số hiện nay.

Đại diện Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, hiện cơ quan này đề nghị đề án thí điểm sẽ lựa chọn phương án thứ nhất.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Bộ Công an đề xuất chủ trương bán đấu giá biển số xe. Trước đó, vào năm 1993, cơ quan này đã đưa ra phương án đấu giá biển số xe nhưng vào thời điểm đó, đề xuất chưa thực hiện được do vướng các quy định của pháp luật.

Giới chuyên môn nhìn nhận, việc mua biển số xe qua đấu giá là nhu cầu có thật của người dân, đồng thời qua đó giúp tăng tính minh bạch, giảm tiêu cực trong việc cấp biển số. Tuy nhiên, lựa chọn phương án thực hiện sao cho hạn chế bất cập nảy sinh, mang lại hiệu quả thiết thực là điều quan trọng nhất.

Việc đấu giá biển số xe cần được thí điểm trước khi chính thức thực hiện.

Cần quy định chặt chẽ, minh bạch

Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Do đó, việc mua, bán biển số xe không đúng với quy định hiện hành. “Hiện nay, vậy biển số xe chỉ là công cụ quản lý Nhà nước. Nó không được xem là tài sản để thực hiện các giao dịch mua, bán dân sự” – Luật sư Bùi Đình Ứng nhận định.

Về hai phương án được Bộ Công an đưa ra, luật sư Bùi Đình Ứng đánh giá, phương án nào cũng có đủ cả hai mặt, ưu điểm và nhược điểm. Do đó, trước khi quyết định lựa chọn, cần có thời gian để thực hiện thí điểm, sau đó đánh giá, tổng kết, thấy phù hợp thì áp dụng và nếu cần thì kiến nghị sửa luật.

“Kết quả của đợt thí điểm sẽ có vai trò quyết định trong việc có triển khai chủ trương đấu giá biển số xe hay không và nếu triển khai thì nên theo phương án nào. Phương án được chọn phải tối ưu, khả thi, đáp ứng nhu cầu của người dân và mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách” – Luật sư Bùi Đình Ứng khẳng định.

Chuyên gia pháp lý này cho rằng, để việc đấu giá biển số xe được thực hiện đúng, trúng và chuẩn, trước tiên phải xây dựng được quy định về đấu giá chặt chẽ, minh bạch nhằm tránh lợi dụng việc đấu giá trục lợi cá nhân hay lợi ích nhóm. Đây là điều đã và đang xảy ra trong đấu giá đất ở một số địa phương và cần phải tuyệt đối tránh khi thực hiện đấu giá biển số xe.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có chỉ đạo Bộ Công an tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá. Trong trường hợp đề án này được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới, việc đấu giá có thể được thí điểm ngay.

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi một quy định khác với luật, Chính phủ có thể trình Quốc hội một nghị quyết để thực hiện thí điểm trong thời gian nhất định.

Chính phủ cần trình dự thảo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình Kỳ họp thứ 3, diễn ra vào tháng 5/2022. Sau đó, trình Quốc hội dự thảo nghị quyết để thảo luận và có thể xem xét trong một kỳ họp.

“Chỉ cần được Quốc hội thông qua, đề án đấu giá biển số xe có thể được triển khai thí điểm ngay. Hết thời gian thí điểm, chúng ta tổng kết, nếu thấy phù hợp có thể kiến nghị sửa các luật liên quan” – ông Nguyễn Trường Giang cho hay.

 

“Cần xem xét đầy đủ các yếu tố tác động của chính sách mới nhằm bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Việc cho phép chuyển nhượng sẽ tạo ra thị trường mua bán hoặc đầu cơ biển số, do đó cần có các giải pháp quản lý một cách hiệu quả. Việc tước quyền đăng ký nếu trong thời hạn 6 tháng biển trúng đấu giá không đăng ký gắn với phương tiện cũng cần được xem xét trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới” – Chuyên gia Lê Văn Đạt - Viện Chiến lược và phát triển GTVT

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Hà Nội: Tạm dừng đào đường, hè phố dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025

Hà Nội: Tạm dừng đào đường, hè phố dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025

17/01/2025 | 21:58

Kinhtedothi- Để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Sở GTVT Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị tạm dừng thi công đào đường, hè trên địa bàn TP từ ngày 22/1 - 12/2/2025.

TP Hồ Chí Minh: thêm một dòng kênh trở lại màu xanh

TP Hồ Chí Minh: thêm một dòng kênh trở lại màu xanh

17/01/2025 | 14:19

Kinhtedothi – Hàng Bàng là một trong những con kênh thoát nước tại TP Hồ Chí Minh bị ô nhiễm trầm trọng, với hàng trăm hộ dân sinh sống trên kênh từ hàng chục năm qua, con kênh bị lấp hẳn. Việc khôi phục lại dòng kênh góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Tin tài trợ