ĐBQH: cần có chính sách khuyến khích sử dụng lao động là phụ nữ ngoài 40 tuổi
Kinhtedothi - Thảo luận về Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu đề xuất cần có quy định bắt buộc về trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; rà soát, bổ sung các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm...
Bổ sung trách nhiệm tạo việc làm cho người cao tuổi
Phát biểu thảo luận, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tại khoản 8, điều 5 Dự thảo Luật quy định hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung thêm hai đối tượng là phụ nữ ngoài 40 tuổi và người cao tuổi nhằm khuyến khích nhà tuyển dụng tiếp tục sử dụng hoặc là có chính sách tuyển dụng, sử dụng nhóm lao động này.
Lý do đại biểu đưa ra là phụ nữ ở độ tuổi ngoài 40 tuổi thường khó duy trì hoặc là tìm kiếm cơ hội việc làm mới bởi vì nhiều lý do (sự phân biệt về tuổi tác, kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, vấn đề về gia đình, sức khỏe...). Thực tế là hiện nay vẫn còn tình trạng là nhiều nhà máy, xí nghiệp tìm cách sa thải hoặc là không tuyển dụng đối với đối tượng này.
Đối với người cao tuổi, trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng tăng, việc khuyến khích người cao tuổi còn khả năng lao động tham gia vào thị trường lao động là một giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận việc làm do vấn đề tuổi tác, sức khỏe và năng suất lao động.
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ) cho biết, Việt Nam đang có xu hướng già hóa dân số nhanh, người cao tuổi từ 60-75 tuổi vẫn còn sức khỏe, kinh nghiệm và khả năng đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp và phụ thuộc vào trợ cấp xã hội.
Đại biểu Ngọc Ánh đề nghị bổ sung quy định cụ thể về nhận thức xã hội, việc làm, quyền và trách nhiệm của người cao tuổi; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp trong tạo việc làm phù hợp.
Bắt buộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho biết, Dự thảo Luật đang quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được phép sử dụng tiền của mình để nộp vào quỹ bảo hiểm để được hưởng các chế độ…
Đại biểu cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và có thể gây bức xúc cho người lao động vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm mà người lao động phải tự nộp. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động.
Đồng thời có quy định về chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm. "Việc đóng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là quyền lợi của người lao động mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của người sử dụng lao động” - đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhấn mạnh.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) bày tỏ băn khoăn trong trường hợp, nếu người lao động bị sa thải hoặc buộc thôi việc trái pháp luật, họ vẫn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện, tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các vụ việc này có thể kéo dài vài năm. Do vậy, đại biểu đề nghị Dự thảo Luật làm rõ trong thời gian này, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không.
Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu cho biết, hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng chỉ bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Theo đại biểu, mức trợ cấp này không đủ chi phí cá nhân cho người lao động, chưa kể đến chi phí gia đình vì hầu hết doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4 triệu đồng/tháng), mức trợ cấp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay.
Bổ sung các nhóm được hỗ trợ vay vốn
Tham gia thảo luận, các đại biểu cũng quan tâm đến chính sách, đối tượng được hỗ trợ vay vốn việc làm. Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét mở rộng thêm lao động có thu nhập thấp, không ổn định vào đối tượng được vay vốn nhằm giúp họ có thêm điều kiện và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi giúp cải thiện kinh tế gia đình, có cuộc sống tốt hơn.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) đề nghị bổ sung đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm (điều 8) là: người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình người dân tộc thiểu số.
"Đây là những đối tượng cũng rất khó khăn, có nhu cầu vay vốn lớn, nhưng rất khó tiếp cận với các ngân hàng thương mại cần tài sản đảm bảo hoặc khả năng chi trả lãi không đáp ứng được yêu cầu" - đại biểu Hồng Thái nêu.
Góp ý về Điều 10 của Dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, quy định hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện đảo, xã đặc biệt khó khăn mới được vay vốn, như vậy là không công bằng với những hộ nghèo, hộ cận nghèo ở những nơi khác. Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định hỗ trợ tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã đặc biệt khó khăn trong cả nước đều được hỗ trợ vay vốn.
Cũng liên quan đến chính sách cho vay vốn, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) kiến nghị bổ sung thêm nhóm đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn là: người lao động trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi thường xuyên đau ốm, không có khả năng lao động, không tự chăm sóc được bản thân.
ĐB Quốc hội đề nghị bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến
Kinhtedothi - Thảo luận về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Quốc hội biểu đề nghị nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để răn đe…
ĐB Quốc hội: có giải pháp mạnh mẽ phòng, chống tội phạm trên không gian mạng
Kinhtedothi - Theo đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng...
Đồng bộ hệ thống pháp luật, khắc phục sơ hở, dễ phát sinh tham nhũng
Kinhtedothi - Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế; tạo sự thông thoáng để khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, khắc phục những sơ hở, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.