Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Để nếp sống văn minh không chỉ là những báo cáo đẹp

Ở Hà Nội, người dân giờ bớt khoe đám cưới hàng trăm mâm. Hiện tượng rải vàng mã trên đường khi đưa tang cũng giảm…

Tất cả những chuyển biến này là cộng hưởng cho tỷ lệ 85% gia đình văn hóa, 55% làng văn hóa, 70% tổ dân phố văn hóa đạt được trong năm qua khiến người làm văn hóa Hà Nội tự hào. Những thay đổi đó không chỉ còn trên các báo cáo mà còn ở trong từng nếp nghĩ, nếp nhà của người Hà Nội.
Cùng thực hành ứng xử đẹp
“Xây dựng và giữ gìn văn minh đô thị là cả một chặng đường dài liên tục” – ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội thừa nhận. Nhưng cũng không thể để tồn tại những hình ảnh “chướng tai gai mắt” như dẫm đạp, xô nhau đến đổ tường để nộp hồ sơ xin học cho con; hoặc leo trèo đến gẫy chân chỉ vì một buổi tắm miễn phí ở công viên… TP Hà Nội hiện đang quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội. Đặc biệt là những thay đổi về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật; kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn truyền thống phù hợp với những yêu cầu, điều kiện của nếp sống công nghiệp, hiện đại; xây dựng phong cách ứng xử, giao tiếp có văn hóa nơi công sở, trong cộng đồng, trên đường phố và các hoạt động tổ chức lễ hội.

Người dân Thủ đô trên khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm dịp cuối tuần. Ảnh: Phạm Hùng

Cơ quan quản lý văn hóa của Hà Nội đang thực hiện rất nhiều động thái chỉ để giúp Hà Nội ngày càng đẹp lên. Trong đó, dự án “Hà Nội đẹp và chưa đẹp” tiếp tục triển khai hiệu quả. Dự án ra đời nhằm xây dựng lối sống, tư duy sống văn minh, thanh lịch cho người Hà Nội thông qua việc tác động đến đời sống tinh thần, các hành vi ứng xử hàng ngày của mỗi người đang sống và làm việc tại Hà Nội. Trong những tháng đầu năm, website “Hanoidep.vn” tiếp tục nhận được hàng nghìn hình ảnh về văn hóa ứng xử của người dân dựa trên 5 chủ đề xuyên suốt: Ăn uống, mặc, đi lại, nói năng, vui chơi – giải trí… Chuyên mục “Địa chỉ Hà Nội” nhằm tuyên truyền, quảng bá cho hệ thống các địa điểm đã ký cam kết ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng trên toàn TP. Đây là nơi tập hợp của rất nhiều địa chỉ ăn uống tại Hà Nội. Những cơ sở nhà hàng, địa chỉ ẩm thực tại Hà Nội không chỉ giới thiệu những món ăn, thức uống ngon, bổ, rẻ, mới lạ để du khách và người dân Thủ đô lựa chọn. Đây là một trong những địa chỉ để cộng đồng cùng nhau thực hành những hành vi ứng xử đẹp, được phục vụ một cách thân thiện và văn minh.
Khắc phục điểm yếu trong hoạt động thiết chế
Hiện nay, Sở VH&TT Hà Nội đang tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các tiêu chí đánh giá “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” tại 30 quận, huyện, thị xã để nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Ông Động cho biết, một trong những điểm yếu nhất trong các nội dung thực hiện của Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” là hiệu quả của các thiết chế văn hóa. Ban chỉ đạo Chương trình 04 cùng cán bộ quản lý văn hóa các cấp không chỉ thường trực nỗi lo phủ kín mục tiêu đến năm 2020 có 70% các tổ dân phố, thôn; 80% đơn vị hành chính phường, xã; 90% đơn vị hành chính cấp quận, huyện có nhà văn hóa khu thể thao; mà còn làm sao để những thiết chế văn hóa này được xây dựng lên không bị đóng cửa im ỉm.
Một số quận như Cầu Giấy, Đống Đa rất thành công trong việc thực hiện mô hình xã hội hóa các thiết chế văn hóa. Chính vì vậy, một vài địa chỉ như Công viên Cầu Giấy, Công viên Nghĩa Đô, Công viên Yên Sở… trở thành địa chỉ hấp dẫn người dân từ nhiều địa bàn khác về vui chơi mỗi dịp cuối tuần. Tuy nhiên, ở các quận Nam Từ Liêm, huyện Chương Mỹ… vẫn chật vật hoàn thiện cơ sở vật chất cho các thiết chế.
Hà Nội hiện đang quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội, đặc biệt là về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật; kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn truyền thống. Để tạo bước đà trong những tháng cuối năm, ngành văn hóa và thể thao tiếp tục triển khai sâu rộng nội dung Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” cùng các đề án, dự án trong Kế hoạch của TP.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ