Đề phòng liệt mặt, méo miệng khi trời lạnh
Kinhtedothi - Trời lạnh, nhiệt độ giảm sâu, nhất là về đêm khiến nhiều người bị trúng gió, liệt mặt, méo miệng, thậm chí đột quị.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần hết sức cẩn thận khi di chuyển từ môi trường ấm (trong phòng kín) đi ra ngoài, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột.
Nhiều nguy cơ khi nhiễm lạnh
Vừa tắm xong, anh Nguyễn Quang T. (Thường Tín, Hà Nội) ra ngoài chạy xe ôm, vừa đi được một đoạn, anh bị hoa mắt, chóng mắt, méo mồm, méo giọng, được người thân đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện 103. Bác sĩ cho biết, anh T. bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, hay còn được gọi là bị “trúng gió”. Điều trị Tây y sau 5 ngày, anh T. tiếp tục được châm cứu, bấm huyệt ở Bệnh viện Châm cứu T.Ư.
Cũng giống như bệnh nhân T., thời gian gần đây, Bệnh viện (BV) Châm cứu T.Ư tiếp nhận nhiều trường hợp bị trúng gió, méo miệng, có trường hợp bị đột quị, hồi phục chậm, thậm chí có trường hợp không có khả năng hồi phục.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Cảnh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Châm cứu T.Ư, người bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, 80% sẽ tự khỏi nhưng cũng có thể để lại di chứng. Đáng sợ nhất là loét giác mạc, biến chứng mù mắt. Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ như gây méo mặt, méo miệng. Thực tế, nhiều bệnh nhân bị rối loạn tuyến nước mắt, loét giác mạc. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây mất tự tin. phần lớn bệnh nhân liệt dây thần kinh số 7 là do lạnh đột ngột, gây co mạch giãn tới tổn thương dây nhánh của dây 7 ngoại biên, không chi phối được các cơ bám da mặt. Nguy cơ phần lớn là do đi xe máy đường xa, trời lạnh nhưng lại phơi mặt, đầu trần đi trong gió lạnh cả chặng đường dài, rất dễ gây co cơ, mạch máu và liệt dây thần kinh số 7.
Những trường hợp dễ mắc bệnh là phụ nữ có thai, bị bệnh tiểu đường, cảm cúm, suy giảm miễn dịch, dùng thuốc corticosteroid… Lứa tuổi trung niên và người già, người có thể trạng yếu, ít tập luyện, ít tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường bên ngoài (ít ra gió), có tiền sử hạ đường huyết, huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch… cũng dễ mắc bệnh. Bên cạnh đó, những người hay thức khuya cơ thể luôn mệt mỏi, sa sút tinh thần, sức đề kháng giảm, dễ cảm cúm, viêm đường tiêu hóa, dị ứng, đặc biệt là khiến cho thần kinh căng thẳng, hệ tim mạch rơi vào trạng thái ức chế quá mức vì lạnh... dẫn tới sự gia tăng gốc tự do làm hủy hoại dây thần kinh số 7.
Phòng tránh thế nào?
Đề cập đến căn bệnh này, lương y Lương Cao Cường – Hội Đông y TP Hà Nội khuyến cáo, vì bệnh thường xảy ra do lạnh đột ngột, cần tránh bị lạnh khi đi tàu xe và nên đóng cửa sổ khi ngủ để tránh gió lùa. Người già ban đêm không nên ra ngoài đi tiểu. Đặc biệt, trong những ngày Tết Nguyên đán, việc bia rượu, di chuyển ngoài trời là khó tránh khỏi, bia rượu dù không phải nguyên nhân dẫn đến trúng gió méo miệng nhưng sẽ làm cho bệnh nặng hơn. Ngoài ra, mọi người khi đi ra ngoài, cần mặc ấm, đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể, nhất là vùng trán, đầu, cổ để tránh tiếp xúc trực tiếp với gió.
“Khi tắm, cần tắm bằng nước ấm, trong phòng kín và tắm nhanh. Tránh tắm bằng nước lạnh và tuyệt đối không tắm khuya vì cơ thể rất dễ bị nhiễm lạnh làm nguy cơ mắc liệt mặt, méo miệng cao hơn. Ngoài ra, khi đã uống bia, rượu không nên ra ngoài lạnh, hoặc đi tắm ngay vì rất dễ bị méo miệng, thậm chí là đột quỵ”, lương y Lương Cao Cường nhấn mạnh.
Cũng theo lương y Lương Cao Cường, để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, mọi người nên tập thể dục thể thao thường xuyên (không tập thể dục ngoài trời khi trời lạnh). Bên cạnh đó, ăn uống đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Theo các bác sĩ, chứng trúng gió méo miệng, lệch mặt chữa trị bằng châm cứu kết hợp xoa bóp bấm huyệt rất hiệu quả nếu bệnh nhân tới BV chữa trị sớm. Bệnh nhân nặng sẽ chữa trị lâu hơn, 4 - 6 tuần hoặc điều trị từ 2 - 3 đợt mới khỏi. Không nên chữa trị theo các mẹo truyền miệng như đắp đuôi lươn, hái lá dán vào mặt… vì bệnh không khỏi hẳn, còn làm mất thời gian vàng trong điều trị.