Đề xuất 276 di sản ưu tiên bảo vệ
rnSau 3 năm triển khai thực hiện, Sở VH&TT Hà Nội đang trình UBND TP phê duyệt kết quả thực hiện Đề án “Tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội”.
Trong đó, Sở đã đề xuất 276 di sản cần được ưu tiên bảo vệ, lập hồ sơ 6 di sản đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đề án “Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” được Sở VH&TT phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thực hiện tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP. Thông qua Đề án, Hà Nội đã kiểm kê được 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, ở 6 nhóm loại hình là di sản truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Tương ứng với 6 nhóm này, 6 di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là những di sản đang có nguy cơ mai một hoặc biến đổi, bao gồm: Tiếng lóng Đa Chất (huyện Phú Xuyên), Hát Trống quân (ở Thường Tín, Phúc Thọ và Phú Xuyên), Bơi chải và Hội đình Lưu Xá (huyện Chương Mỹ), Hát và Múa Ải Lao (quận Long Biên), Nghề rèn Đa Sỹ (quận Hà Đông) và nghề chữa bệnh bằng thuốc nam của người Dao (huyện Ba Vì).
Căn cứ vào kết quả tổng kiểm kê đó, Sở đã phối hợp với các đơn vị chức năng lập bản đồ di sản văn hóa phi vật thể phản ánh hiện trạng của 1.793 di sản. Trong đó, phần đầu của bản đồ là thể lệ Atlas trình bày tổng quan về các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội, tiêu chí để các di sản được xác định là ưu tiên bảo vệ… Phần hai là những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Hà Nội với các hình ảnh, điểm xuyết, chú giải cơ bản. Phần ba là đóng góp quan trọng nhất của cuốn Atlas với những tấm bản đồ tỷ lệ 1:10000 về hiện trạng các di sản toàn TP và từng quận, huyện, thị xã ở Thủ đô...
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát huy di sản văn hóa - đơn vị thực hiện số hóa bản đồ di sản, trên thế giới đã có nhiều quốc gia làm bản đồ liên quan đến văn hóa, còn ở Việt Nam thì Hà Nội là địa phương đầu tiên. Bản đồ này chỉ là một nhánh của hàng trăm công việc tiếp theo để phát huy đề án đó. Có thể thiết lập nhiều loại bản đồ, atlas di sản phi vật thể cho tương lai. Nhìn vào bản đồ, người ta có thể thấy được sự thay đổi trong các di sản văn hóa phi vật thể. Ví dụ thông qua một mặt giấy, chúng ta có thể thấy được một cách nhanh chóng trong 1.793 di sản phi vật thể của Hà Nội có bao nhiêu làng xã thờ Hai Bà Trưng, phân bố ở đâu. Và con số cụ thể thể hiện trên bản đồ là khoảng 17 địa điểm khác nhau. Từ đây, chúng ta có thể biến bản đồ di sản phi vật thể thành điểm chỉ dẫn rất lý thú cho du lịch. Du khách có thể mường tượng, liên kết các điểm cùng thờ một vị thần linh. Hoặc trong bản đó cũng cho biết Hà Nội có bao nhiêu điểm và phân bố ở những đâu thờ Thánh Gióng ngoài Phù Đổng (Gia Lâm) và Sóc Sơn… Bản đồ góp phần giải thích cho người ta biết lý do để có sự phân bố của vị thần đó. Từ bản đồ này chúng ta có thể hướng đến điểm chỉ dẫn du lịch di sản trên toàn TP.