Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Cần cơ chế tài chính đặc thù cho Hà Nội

Kinhtedothi - Chiều 20/12, tại Phiên họp thứ 5, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho TP Hà Nội.

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định phải bám sát quy định của Luật Thủ đô, mở rộng nguồn lực và tạo đột phát cho Hà Nội phát triển.
Cần thiết ban hành Nghị định mới
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, so với nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 thì cơ chế đặc thù về tài chính - ngân sách hiện hành tạo nguồn lực cho TP khá thấp vì bình quân thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho TP Hà Nội 5 năm qua còn thấp so với quy định, chỉ khoảng 30 - 35%. Mặc dù TP đã được T.Ư bổ sung và hỗ trợ khác khá cao, như khoản vốn gần 2 tỷ đô la Mỹ ODA cấp phát, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của TP. Mặt khác, một số quy định về cơ chế tài chính cho Thủ đô Hà Nội trong Luật Thủ đô có hiệu lực từ năm 2013 và Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực từ 1/1/2017, nhưng đến nay chưa được Chính phủ hướng dẫn.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Vì vậy, để hướng dẫn chi tiết quy định về cơ chế tài chính – ngân sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội theo quy định của hai Luật này. Đồng thời, khắc phục những những hạn chế và đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, Chính phủ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 123/2004/NĐ-CP và Nghị định số 112/2015/NĐ-CP đối với TP Hà Nội nhằm tạo cơ chế tài chính - ngân sách.
Trong đó, Dự thảo Nghị định đã đưa ra những quy định về định mức chi và bội chi ngân sách của TP. Đối với bội chi ngân sách TP, cho phép Thủ đô Hà Nội được bội chi và được tổng hợp vào bội chi NSNN hàng năm do Quốc hội quyết định. Dự thảo Nghị định cũng quy định mức dư nợ vay của TP Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp là thống nhất với quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 7 của Luật NSNN năm 2015. “Quy định đã quy định gắn mức huy động với nguồn thu ngân sách, khả năng trả nợ nhằm giúp TP có thể huy động thêm nguồn lực đầu tư vào những dự án, công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật quan trọng. Đồng thời, các khoản vay được tính trong bội chi ngân sách của TP và do Quốc hội quyết định hàng năm, nên vẫn kiểm soát được khả năng trả nợ của ngân sách TP” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải.
Phải tạo được đột phá cho Thủ đô phát triển
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng nhất trí với nội dung Chính phủ trình. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các quy định về cơ chế tài chính – ngân sách như quy định của các Luật không thể hiện rõ cơ chế đặc thù. Đề nghị nội dung cơ chế cần “có tính đột phá mạnh mẽ hơn, nhất là các vấn đề về phân cấp, phân quyền quyết định cho Thủ đô Hà Nội”.
Trong đó, về quy định huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển, các ý kiến cũng cho rằng, để tạo thêm kênh huy động nguồn vốn đầu tư, ngoài việc ưu tiên bố trí vốn ODA thì Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ vốn vay ưu đãi để bổ sung nguồn lực cho Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng trong phân bổ nguồn lực với các địa phương khó khăn khác, thì thay vì cấp phát một phần ODA cho Thủ đô Hà Nội, Chính phủ nên áp dụng cơ chế tăng mức vay về cho vay lại với lãi suất thấp, vì các dự án ở Thủ đô có thể thu được phí dịch vụ để trả nợ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng mọi quyết định đều phải phù hợp với khung khổ pháp luật, cụ thể là Luật Thủ đô và Luật Ngân sách Nhà nước và tinh thần là “Hà Nội không thua thiệt hơn hiện tại”. Nhiều ý kiến khác trong UBTV Quốc hội ủng hộ quan điểm này.

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nêu lên những khó khăn trong cơ chế tài chính của TP. Đề xuất, UBTV Quốc hội cho quyết định hỗ trợ một số khoản liên quan đến xây dựng một số công trình của TP. Đồng thời đề xuất phân cấp, phân quyền cho Hà Nội được phê duyệt quyết định đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm cấp bách, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường…
Thảo luận về những nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: “Cơ chế như Chính phủ trình nếu được thông qua thì nhìn chung Thủ đô có lợi hơn hay thiệt hơn so với hiện hành”? Được đại diện cơ quan thẩm tra cho biết “tổng thể là thiệt hơn”, Chủ tịch Quốc hội dứt khoát: “Tinh thần của chúng ta là Nghị định này phải tạo cơ chế thực hiện Luật Thủ đô, tạo đột phá cho Thủ đô phát triển. Do đó cùng với cơ chế tài chính, Chính phủ nên nghiên cứu đề nghị của Hà Nội để tạo sự năng động nhạy bén. Nguyên tắc cốt yếu là ban hành Nghị định không được làm nguồn lực yếu đi, nếu không thì không đạt được mục đích”. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cùng với cơ chế tài chính, cần xem xét một số cơ chế về phần cấp, phân quyền trong quản lý điều hành trong khuôn khổ của luật
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTV Quốc hội thống nhất đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định phải bảo đảm bám sát Điều 74 của Luật Ngân sách Nhà nước và Điều 21 của Luật Thủ đô cho đúng thẩm quyền và cần có đột phá, tạo lợi thế hơn so với các quy định trước đây. Tinh thần là Nghị định mới phải ở mức độ nổi trội hơn, đột phá hơn và có lợi thế hơn cho Hà Nội. Nếu Nghị định mà ban hành ra lại thành ra bó hơn, không bảo đảm các nguồn lực cho phát triển TP thì không bảo đảm thực hiện được đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong chỉ đạo phát triển Thủ đô cũng như vùng Thủ đô. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cũng cho biết, sau phiên họp này, trên cơ sở các ý kiến phát biểu, thống nhất, UBTV Quốc hội sẽ có văn bản thông báo ý kiến gửi tới Chính phủ để làm cơ sở ban hành Nghị định.

Phát biểu tại Phiên họp, Bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải nêu rõ những thách thức Hà Nội đang phải đối mặt, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông, nếu không kịp thời có cơ chế tháo gỡ thì có thể dẫn đến những vấn đề rất nghiêm trọng, khi mà tốc độ di dân tự do mà mật độ phương tiện giao thông không ngừng tăng. Ngay việc quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm với 300km nhưng hiện tại chưa được mét nào, nhà đầu tư không mấy mặn mà. 100 tuyến xe buýt thì 73 tuyến phải trợ giá trợ giá và có thể phải tăng cường trợ giá hơn nữa để thu hút người dân sử dụng. "Hà Nội là thành phố sự kiện và mỗi lần có sự kiện gì thì hết sức lo lắng. Nếu không giải quyết cấp bách thì từ vấn đề giao thông, môi trường rất dễ trở thành vấn đề chính trị” - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh và cho biết cần nghiên cứu cơ chế đặc thù cho Thủ đô để vượt qua những thách thức đã thấy rõ.

Trên quan điểm đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội để xuất một số vấn đề nên đưa vào Nghị định, vừa tạo điều kiện hơn cho Hà Nội mà Hà Nội vẫn chia sẻ được với T.Ư như tăng mức chi đầu đầu tư phát triển cho Hà Nội theo danh mục được quyết định trên tinh thần cân đối chung; hay các dự án ODA với tỷ lệ vay lại. Để bảo đảm tính chặt chẽ, đưa vào danh mục Chính phủ trình và Quốc hội thông qua những dự án quan trọng và nguồn lực chính là từ mức vượt thu, tiền sử dụng đất, cổ phần hóa. Vừa đảm bảo đúng Luật, vừa tạo ra cơ chế cho Hà Nội.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ