Đến 2020, Hà Nội sẽ là trung tâm phát triển khoa học và công nghệ
Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội xác định sẽ đưa Khoa học và Công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là thông tin được ông Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội đưa ra trong buổi Hội nghị Tổng kết hoạt động KH&CN của TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2016 vừa diễn ra sáng nay (22/11).
Cụ thể, trong thời gian qua, Thành uỷ, HĐND và UBND TP luôn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư đối với hoạt động KH&CN trên địa bàn. TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về KH&CN. Điển hình là phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN TP Hà Nội đến năm 2020. Bên cạnh đó TP cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm thúc đẩy lĩnh vực KH&CN trên địa bàn.
Theo ông Lê Xuân Rao, trong giai đoạn 2011 - 2016, các giải pháp đổi mới nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ luôn được chú trọng. Tiêu biểu là việc tăng cường thu hút các lực lượng tham gia nghiên cứu khoa học cũng như khuyến khích các đơn vị của TP tham gia đặt hàng và trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học vào giải quyết các vấn đề cần thiết thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn mình quản lý. Kết hợp với đó, Sở cũng thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình áp dụng KH&CN mới.
Chính vì vậy, từ năm 2011 đến nay, kết quả nghiên cứu khoa học của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chương trình KH&CN cấp Thành phố đã triển khai 493 đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN. Trong đó, lĩnh vực KH&CN là: 322 đề tài, khoa học xã hội và nhân văn là: 94 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm là 59 dự án. Hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án vào thực tiễn ngày càng tăng. Số lượng bài báo trong nước và quốc tế là: 430 bài báo; 05 đề tài đoạt giải VIFOTEC; 22 sản phẩm đăng ký sáng chế, sở hữu công nghiệp ...
Có thể kể đến những đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được triển khai thành công trong thực tiễn như: Nghiên cứu, biên soạn và xuất bản 18 tập Bách khoa thư Hà Nội và 14 tập Bách khoa thư Hà Nội giai đoạn mở rộng; Tăng năng suất các loại cây đặc sản như nhãn chín muộn, bưởi Diễn, hồng Yên Thôn...; Xây dựng mô hình hệ thống GIS quản lý thông tin về dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.
Giám đốc Sở KH&CN cho biết thêm, hoạt động thẩm định, đánh giá công nghệ đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của TP dành cho các dự án đầu tư trên địa bàn cũng như yêu cầu của DN chuyển giao công nghệ. Trong 5 năm vừa qua, đơn vị này đã tiến hành thẩm định công nghệ 95 dự án đầu tư trong các lĩnh vực như: cấp nước sạch, xử lý chất thải, tăng cường năng lực và đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở y tế, các trường cao đẳng nghề, trung tâm quan trắc TNMT... Cấp giấy chứng nhận cho 250 tổ chức KH&CN và 34 doanh nghiệp KH&CN thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông.
Tuy nhiên theo ông Lê Xuân Rao, hoạt động KH&CN của TP vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Như các cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển KH&CN vẫn chưa đồng bộ, hiệu quả còn thấp. Các DN vẫn chủ yếu tập trung vào nhập khẩu công nghệ thiết bị trọn bộ và nguyên vật liệu nước ngoài để sản xuất, gia công sản phẩm. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm, do gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí ...
Về giai đoạn 2016 - 2020, Giám đốc Sở KH&CN khẳng định Hà Nội vẫn sẽ đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2020, Hà Nội sẽ là trung tâm phát triển công nghệ với tiềm lực khoa học và công nghệ, năng lực nghiên cứu, phát minh, sáng chế, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có uy tín trong khu vực.
Để thực hiện mục tiêu này, Sở KH&CN sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và trình UBND TP ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm thu hút cũng như tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức trên địa bàn, các chuyên gia nhà khoa học ở trong và ngoài nước tham gia thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của TP.
Bên cạnh đó là triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và phát triển vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp KH&CN. Cũng như phát triển thị trường KH&CN nhằm hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ và kích cầu chuyển giao công nghệ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch TP Ngô Văn Quý cho biết, xác định KH&CN là lĩnh vựcrất quan trọng, trong thời gian qua, Hà Nội đã tập trung đầu tư gần 500 tỷ đồng cho lĩnh vực này, trong đó xây riêng xây dựng cơ bản đã là 461 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dưới sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ các nhà khoa học và đội ngũ quản lý khoa học các cấp thì hoạt động nghiên cứu KH&CN đã gắn kết được với thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Chính vì vậy đã có nhiều đề tài, đề án nghiên cứu có hàm lượng chất xám cao, chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn đem lại kết quả cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng... Đặc biệt, công tác quản lý chính sách, tham mưu, tư vấn, triển khai kế hoạch KHCN Thủ đô ngày càng phát triển, ông Ngô Văn Quý nói.
Phó Chủ tịch TP cũng cho biết, trong thời gian tới, TP vẫn sẽ xác định phát triển KH&CN là nhiệm vụ trọng tâm và then chốt. Gắn liền các hoạt động nghiên cứu KH&CN với chương trình công tác của Thành ủy, UBND như vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng đô thị văn minh ... Để thực hiện có hiệu quả việc gắn kết này, cần đẩy mạnh khâu liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và nhà sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó là tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm hiện đại hóa, công nghiệp hóa Thủ đô.
Một số DN KH&CN hoạt động hiệu quả, doanh thu từ hoạt động KH&CN cao của TP: Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương (VINASEED): Công ty được Forbes Asia lựa chọn là một trong 200 công ty có doanh thu dưới 1 tỷ USD tốt nhất Châu Á năm 2013. Doanh thu năm 2013 từ sản phẩm KH&CN chiếm trên 70% doanh thu của Công ty. Một số doanh nghiệp KH&CN đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài như Công ty Cổ phần Robot Tosy (xuất khẩu đồ chơi sang 60 nước), Công ty Môi trường Xanh và Xanh (xuất khẩu hệ thống xử lý nước thải MGB sang Mỹ), Công ty TNHH Thủy lực máy HMC (xuất khẩu hệ thống xử lý rác sang Ấn độ và mở chi nhánh tại Hoa Kỳ), Công ty Cổ phần Thanh Hà (xuất khẩu phân bón sang Myamar)... |