Dẹp loạn thuốc kháng sinh trong chăn nuôi
Kinhtedothi - Sau chất cấm, vấn nạn lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (NTTS) cũng là một bài toán nóng hổi đặt ra cho ngành nông nghiệp.
Bởi muốn đảm bảo ATTP cần kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu chăn nuôi, trồng trọt, trong đó có việc kiểm soát chất cấm và thuốc kháng sinh.
Chưa hoàn thành mục tiêu
Có thể nói, nhờ sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến nay đã cơ bản được ngăn chặn. Kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT thực hiện năm 2016 cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm chất cấm Salbutamol chỉ còn 0,44%, giảm mạnh so với năm 2015 (1,07%). Đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2016 không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và NTTS lại vẫn chưa được kiểm soát triệt để.
Năm 2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã tiến hành thanh tra trực tiếp đối với 30 công ty có vi phạm về nguyên liệu kháng sinh, qua đó xử lý 23 công ty vi phạm với số tiền 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã củng cố hồ sơ và xác lập hành vi vi phạm đối với gần 200 đối tượng là các công ty sản xuất nhỏ, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, trang trại chăn nuôi, NTTS… chuyển cho địa phương quản lý. Ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, hành vi vi phạm chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh về bán sai đối tượng, bán trái phép cho người nông dân sử dụng trực tiếp trong NTTS. “Đây chính là con đường đi của kháng sinh cấm Enrofloxacin trong NTTS” – ông Dũng nói.
Liên quan tới vấn nạn lạm dụng kháng sinh trong thủy sản, năm 2016 nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của nước ta bị cảnh báo vì hàm lượng kháng sinh vượt ngưỡng quy định, thậm chí một số lô hàng bị trả về. Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, trong năm 2016 ngành nông nghiệp chưa hoàn thành được mục tiêu ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc lạm dụng kháng sinh trong NTTS.
Phối hợp cùng ngăn chặn
Một thực tế đáng lo ngại hiện nay là các công ty không đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y nhưng mua nguyên liệu kháng sinh về để sản xuất trái phép các sản phẩm thuốc thú y. Sau đó, những sản phẩm này được tiếp thị thẳng xuống tận trang trại. Bên cạnh đó, một số nhà máy bổ sung kháng sinh vào sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhưng không công bố thành phần, chủng loại kháng sinh dẫn tới hệ lụy nhờn kháng sinh do người nông dân không xác định được liều lượng. Chính vì vậy, để tránh tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và NTTS thủy sản, cần quản lý chặt chẽ nguyên liệu kháng sinh từ gốc.
Theo ông Dũng, cần phải có phương thức thanh kiểm tra phù hợp từ khâu nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng kháng sinh. Cụ thể, Cục Thú y kiểm tra, giám sát chặt chẽ khâu nhập khẩu, tiêu thụ nguyên liệu kháng sinh trong sản xuất thuốc thú y. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, sử dụng kháng sinh và xử lý kịp thời vi phạm. Ông Dũng cũng đề nghị phát động phong trào thực hiện đúng quy định của Nhà nước về nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng kháng sinh và tố giác những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm.
Một tín hiệu khả quan là mới đây, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc dùng cho người và thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y. Hy vọng rằng, với sự bắt tay của 2 ngành y tế và nông nghiệp, thị trường kháng sinh trong chăn nuôi, NTTS sẽ sớm được dẹp loạn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, trong năm 2017, Bộ sẽ có quy định cấm toàn bộ các loại thức ăn chăn nuôi có chất kích thích sinh trưởng. Bên cạnh đó, các loại thức ăn có chứa kháng sinh phòng và trị bệnh cũng sẽ giới hạn tối đa chỉ có 2 loại trong tổng số có 15 loại kháng sinh được phép dùng trong thức ăn chăn nuôi... Đặc biệt, tiến tới quy định việc sử dụng các loại sản phẩm có kháng sinh trong thú y sẽ đều phải được kê đơn. |