Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa: Xác định chiến lược bảo tồn

Kinhtedothi - Nhằm phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa, UBND quận Đống Đa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử tìm giải pháp nhằm gắn bảo tồn với đời sống xã hội và phát triển du lịch.

Lễ hội Gò Đống Đa 2019. Ảnh: Thanh Hải
Khó tưởng tượng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Nhân dịp kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2019), di tích gò Đống Đa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện còn có những ý kiến khác nhau cần phải tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở chính xác khẳng định bản chất của gò Đống Đa là gò chôn vùi xác quân Thanh hay vốn dĩ là một gò tự nhiên hình thành cách đây 4.000 năm. Nhưng chắc chắn địa danh này là minh chứng, dấu tích và biểu tượng oai hùng chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Có người đưa ra ý tưởng xây một tổ hợp Panorama về chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa như ở Nga nhưng rất khó. Theo tôi, trên thế giới bắt đầu xây dựng các tổ hợp trưng bày hiện thực ảo. Tôi tin rằng, nếu có sự sáng tạo, chúng ta có thể tạo dựng Trung tâm diễn giải lịch sử có sức thuyết phục cao. Tổ hợp đó sẽ có khả năng kết nối hệ thống các trận đánh liên hoàn làm nên chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi – Đống Đa.
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam PGS.TS Đặng Văn Bài
PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản văn hoá Việt Nam chỉ ra: “Vì một số vấn đề về di sản còn gây tranh cãi nên chưa có sự thống nhất, chưa có cơ sở cho việc bảo tồn di tích. Hiện nay, trên đỉnh gò Đống Đa, ngoài tấm bia ghi lời hịch của Hoàng đế Quang Trung và chỏng chơ một vài phiến đá, hầu như không có thông tin gì khác, rất khó cho người tham quan tìm hiểu về di tích”. Tại hội thảo, các chuyên gia về bảo tồn di sản cũng tỏ ra tiếc nuối vì chức năng của Công viên Văn hóa Đống Đa chưa tạo cho du khách một không gian trải nghiệm hấp dẫn.
Đơn cử, nhà trưng bày các tài liệu, hiện vật về di tích quá nhỏ, khuất nẻo, giải pháp trưng bày cũ kỹ. Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa chia sẻ: “Hiện đã có phần trưng bày bổ sung nhưng chưa đáp ứng được tiêu chí bảo tàng hiện đại nên kém hấp dẫn". Mặt khác, nhiều nhà quản lý cho rằng, nhà trưng bày chỉ mở cửa vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu hàng tuần; đóng cửa ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần là chưa hợp lý.
Tạo thêm điểm nhấn
Thời gian qua, việc phát huy giá trị gò Đống Đa được thể hiện rõ nhất qua lễ hội gò Đống Đa. Tuy nhiên, ngoài thời gian diễn ra lễ hội, du khách đến tham quan di tích không đáng kể. Thạc sĩ Lưu Ngọc Thành – Khoa Di sản văn hóa, trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: Công viên Đống Đa chưa có điểm nhấn quan trọng (ngoài khu vực tượng đài vua Quang Trung – Nguyễn Huệ). Trong khi, việc tạo điểm nhấn tại Di tích gò Đống Đa có thể thực hiện ở trước cổng vào và cạnh lối dẫn lên cổng miếu Trung Liệt.
Bên cạnh ý kiến khác của các nhà khoa học về bổ sung tài liệu phụ chú cho di tích, liên kết tổ chức các sự kiện, đa dạng hình thức truyền thông, TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Khi nhu cầu của khách tham quan ngày cách khó tính thì cần có một lộ trình bền bỉ và kiên trì để từng bước định hình điểm đến gò Đống Đa. Trước mắt, quận Đống Đa có thể tập trung cho việc chỉnh trang các hạng mục di tích, nghiên cứu phục dựng lại các công trình đã từng tồn tại trong di tích như đền Trung Liệt; cho phép tổ chức các hoạt động văn hoá, giáo dục tại di tích. Về lâu dài, quận cần xác định đối tượng khách tiềm năng tham quan di tích; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho di tích gồm logo và các sản phẩm đi kèm. Đồng thời nghiên cứu, thiết kế, sản xuất quà tặng đặc trưng của di tích...”.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, để thực hiện được các giải pháp trên cần đến vai trò của nhiều chủ thể, từ cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị chuyên môn, nhà nghiên cứu, truyền thông và cộng đồng.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ