Doanh nghiệp hiến kế cải thiện du lịch Nha Trang – Khánh Hòa
Kinhtedothi - Ngoài các kiến nghị về đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có chuyên môn nghiệp vụ vững, đạo đức nghề nghiệp tốt... nhiều chương trình, giải pháp khác cũng được các doanh nghiệp trình bày để cải thiện du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.
Ngày 22/2, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp du lịch Khánh Hòa đầu năm 2022. Tham dự có ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Khánh Hòa; ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cùng lãnh đạo các sở ngành và hơn 250 tham dự viên đại diện các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến du lịch.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) Nha Trang - Khánh Hòa Phạm Minh Nhựt cho biết, để hoạt động kinh doanh du lịch tỉnh Khánh Hòa có bước đi vững chắc và hiệu quả hơn, tiếp cận được nhiều thị trường khách trong thời gian tới, cần có sự tăng cường sự phối hợp giữa Sở Du lịch với HHDL và các doanh nghiệp trong khâu tổ chức xúc tiến du lịch dưới nhiều hình thức nhằm đa dạng nguồn khách.
Đồng thời, ông Nhựt đề nghị cơ quan chức năng cũng cần tăng cường quản lý kinh doanh dịch vụ lữ hành; quản lý điều kiện tối thiểu cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống; kiểm tra chất lượng cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan,…
“Cần xây dựng kế hoạch, định hướng cụ thể liên kết tốt với các địa phương nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chính và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Trong đó, xác định chính xác những sản phẩm đặc thù, cần làm gì, khi nào và các nguồn lực để phát triển. Đảm bảo nguyên tắc phát triển sản phẩm du lịch: bảo tồn tài nguyên, sự tham gia của các bên (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, khách du lịch, cộng đồng địa phương), có ràng buộc và lợi ích cụ thể đối với các bên liên quan, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách du lịch, thường xuyên làm mới sản phẩm, hợp tác liên vùng và liên quốc gia, chú trọng hiệu ứng quảng bá sản phẩm, thu hút đầu tư” – ông Nhựt chia sẻ.
Phó Chủ tịch HHDL Khánh Hòa cũng đề nghị các Doanh Nghiệp Lữ hành phải thường xuyên cập nhật các sản phẩm du lịch địa phương và đưa vào các chương trình tour, quảng bá rộng rãi cho du khách khi đến với Nha Trang Khánh Hoà.
Trong khi đó, ông Bùi Quốc Đại - đại diện Công ty TNHH Thương mại và Du lich Anex Vietnam (Anex Tour) cho rằng, cần tập trung về thị trường Quốc tế - Quảng bá hình ảnh Nha Trang Khánh Hòa, xúc tiến du lịch, truyền thông và có chính sách hỗ trợ cấp bách và lâu dài.
Bởi theo ông Đại, Khánh hòa là một điểm đến có rất nhiều điều kiện để phát triển ngành du lịch so với các nơi khác trong toàn khu vực nhưng vì chất lượng quảng bá hình ảnh quá ít đã khiến du khách quốc tế ít biết đến Khánh hòa.
Tỉnh nên có những chương trình quảng bá cụ thể để mang các đoàn FAM trip của các thị trường khách quốc tế sang Khánh Hòa, mời đại diện các đơn vị lữ hành lớn nhất thị trường khách quốc tế đến Khánh Hòa tham dự các Hội thảo về tiềm năng du lịch của điểm đến, khảo sát các cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch, làm việc với các đối tác du lịch về kế hoạch hợp tác, xúc tiến phục hồi du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế.
Đồng thời, tập trung nguồn lực thực hiện các chiến dịch quảng bá trên các nền tảng truyền hình, mạng xã hội, kênh truyền thông lớn với nội dung, thông điệp khẳng định năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách…
“Về giải pháp liên quan đến chính sách hỗ trợ cấp bách và lâu dài, chúng tôi đề xuất cần khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kích cầu, giảm giá du lịch để thu hút khách trở lại. Đề nghị cơ quan chức năng đơn giản thủ tục visa cho khách Nga du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu. Ngoài ra, vấn đề giá cả cạnh tranh rất cần thiết sau khi du lịch mở cửa trở lại, nhằm kích cầu khôi phục lại du lịch Anex Việt Nam mong muốn tất cả các khách sạn 3-5 sao giảm giá từ 30% đến 40% cho tất cả các thị trường khách không riêng gì thị trường khách Nga vì tình hình tài chính các nơi đều giảm mạnh, phải cạnh tranh với nước láng giềng như Thái Lan và các nước trong khu vực” - ông Đại cho biết.
Trong khi đó, Đại diện Công ty CP Vega City thuộc Tập đoàn KDI Holdings cho rằng, hiện Nha Trang – Khánh Hòa đang thiếu các sản phẩm độc đáo để giữ chân và đưa du khách trở lại du lịch. Trong khi đó, phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) vừa là xu hướng vừa là đòi hỏi tất yếu đối với ngành du lịch để tận dụng tối đa thời gian, nâng cao hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, phát huy giá trị văn hóa và đặc biệt đáp ứng nhu cầu của du khách để từ đó kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
“Trên thực tế, một số nước đã đo lường, ước tính được mức độ đóng góp tương đối quan trọng của KTBĐ đối với phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa bàn cụ thể cũng như ở bình diện quốc gia. Ở Việt Nam, KTBĐ đã hình thành từ nhiều năm nay và được đánh giá là một cơ hội mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù chưa có báo cáo, thống kê cụ thể về đóng góp của KTBĐ vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nhưng từ lâu một số hoạt động ban đêm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và hình thành những địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch” – đại diện Công ty CP Vega City cho biết.
Theo đó, đại diện đơn vị này đề xuất Khánh Hòa sớm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thí điểm KTBĐ để tạo sự khác biệt cho du lịch Nha Trang – Khánh Hòa trong thời gian tới.
Liên quan đến các giải pháp về du lịch, chiều 22/2, tại bến Du thuyền Ana Marina (TP Nha Trang), Crystabaya Pte Ltd. (liên doanh giữa Tập Đoàn Crystal Bay và Tập Đoàn Beowulf Blockchain) đã ra mắt thị trường nền tảng giao dịch dịch vụ du lịch trực tuyến NFT thế hệ mới dựa trên công nghệ Blockchain mang tên Crystabaya (www.crystabaya.io).
Nền tảng Crystabaya được xây dựng lấy khách du lịch là trọng tâm, các khách sạn, các điểm nghỉ dưỡng, các công ty kinh doanh dịch vụ, điều hành du lịch và lữ hành cũng như các nhà đầu tư lớn, nhỏ muốn đầu tư vào ngành du lịch và lữ hành là chủ thể tham gia trực tiếp. Nền tảng này không chỉ là cột mốc quan trọng góp phần mở rộng thị trường, tăng cơ hội kinh doanh, mà còn mở hướng tiếp cận mới cho du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Trung – TGĐ Tập đoàn Crystal Bay cho biết, NFT là một loại tài sản số, có chữ ký số riêng biệt cho từng tài sản, đánh dấu tính độc nhất của nó và hiện diện trên một chuỗi số (blockchain), tức là bản ghi nhận các giao dịch trên máy tính kết nối mạng.
Mỗi đêm lưu trú, mỗi dịch vụ du lịch xác định bất kỳ của mỗi phòng tại khách sạn hoặc các dịch vụ du lịch liên quan sẽ được Crystabaya mã hóa dưới dạng một mã NFT được xác nhận là duy nhất và cho phép giao dịch trên Nền tảng giao dịch Crystabaya.
Công nghệ Blockchain xác thực nguồn gốc của các sản phẩm NFT du lịch này dựa trên nguyên tắc mạng ngang hàng (peer-to-peer) và minh bạch; giúp người dùng có thể trực tiếp thấy được tình trạng phòng cùng các dịch vụ mà không phải lo lắng về việc không được xác nhận khi đặt phòng hay dịch vụ. Đồng thời, các chủ khách sạn, các điểm nghỉ dưỡng có thể giảm chi phí vận hành do cơ sở dữ liệu được lưu trữ đầy đủ và an toàn trên blockchain.
Sau thời gian dài trầm lắng, bất động sản Khánh Hòa chờ cú hích năm 2022
Kinhtedothi - Việc mở cửa đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine, cùng với động thái của hàng loạt tập đoàn lớn đang tìm hiểu, lập quy hoạch và xin đầu tư tại Khánh Hòa được xem là đòn bẩy để thị trường bất động sản (BĐS) Khánh Hòa vực dậy trong năm 2022.
Khánh Hòa đón gần 100.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng dịp Tết Nguyên đán
Kinhtedothi - Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Khánh Hòa đã đón gần 100.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng với tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 524 tỷ đồng.
Khánh Hòa: Sẵn sàng đón khách quốc tế khi du lịch mở cửa hoàn toàn
Kinhtedothi - Với những kinh nghiệm đã được đúc kết từ khi thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vaccine”, ngành du lịch Khánh Hòa sẵn sàng mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế trong trạng thái bình thường mới khi Chính phủ cho phép dự kiến từ ngày 15/3.