Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Doanh nhân nữ cần lắm những sẻ chia

Kinhtedothi -Phụ nữ điều hành 1/4 số DN nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động tại Việt Nam. Họ cũng sử dụng nhiều lao động nữ hơn so với các DN do nam làm chủ (43,4% so với 36%).

Tuy nhiên, các doanh nhân nữ phải đối mặt với nhiều trở ngại nên rất cần nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ và các mạng lưới.
Cái khó của doanh nhân nữ
Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phụ nữ lãnh đạo DN gặp khá nhiều khó khăn trong tiếp cận tài chính, thông tin thị trường, các cơ hội đào tạo nâng cao kiến thức, xúc tiến thương mại, các nguồn lực của Chính phủ và các chuỗi liên kết. Thêm vào đó, những nữ doanh nhân tại Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc. Nói như chuyên gia kinh tế Lê Quang Cảnh thì khó khăn trở ngại của nữ làm chủ DNNVV chính là: “Doanh nhân nữ vừa chăm lo cho gia đình vừa làm kinh tế. Nghĩa là lo từ củ hành, bát nước mắm tới… hội nhập”.
 Tổng Giám đốc Công ty Văn phòng phẩm Hoàng Minh Nguyễn Thị Oanh với các nhân viên. Ảnh: Khắc Kiên
Chia sẻ từ câu chuyện thực tế của chính DN mình, nữ doanh nhân Bùi Tú Ngọc, Hội Nữ DNNVV TP Hà Nội kể: “Khi sang Australia thành lập một DN lĩnh vực dịch sách, tôi được cơ quan chức năng đưa một cuốn sách hướng dẫn các thủ tục. Tôi chỉ mất 30 phút làm thủ tục, lại được cán bộ thuế hướng dẫn tỉ mỉ và được cấp mã số thuế”. Hoạt động 2 năm, khi về nước, bà Ngọc giữ toàn bộ hóa đơn, khai báo đúng như những gì hướng dẫn trong cuốn sách nên sau 3 tháng về Việt Nam, công ty của bà nhận được séc qua bưu điện kèm thông báo được hoàn thuế. 
“Mọi thứ rất minh bạch, cụ thể. Tôi không bị cơ quan thuế nào hoạnh họe. Nhưng nay về nước gặp rất nhiều thủ tục rườm rà. Chị em phụ nữ, đặc biệt ở nông thôn không biết làm thế nào để được hưởng các chính sách ưu tiên phát triển kinh doanh cho DN do nữ làm chủ, nhất là về vốn vay. Bản thân tôi đã từng mang cả bản kế hoạch, hồ sơ đến ngân hàng nhưng không vay được đồng vốn nào, mà phải quay về vay người thân trong gia đình” - bà Ngọc than thở.
Khó khăn của các doanh nhân nữ được ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ, nếu so sánh với các DN do nam giới lãnh đạo thì phụ nữ làm chủ DN gặp nhiều trở ngại hơn, thậm chí khi đi vay vốn, nam giới có thể dễ dàng mang giấy tờ tài sản gia đình đi thế chấp mà không gặp cản trở gì từ gia đình. Nhưng nếu là nữ  thì đó là cả một vấn đề. Hay như việc xúc tiến thương mại, phát triển mạng lưới, các nữ doanh nhân cũng rất thiệt thòi vì phụ nữ có thời gian nghỉ sinh và chăm sóc con nhỏ, khi trở lại làm việc họ gần như phải bắt đầu gây dựng lại từ đầu. Đây là những khó khăn mang tính đặc thù của nữ giới.
Có thể nói, nữ giới dù hoạt động ở ngành nghề, lĩnh vực nào cũng vất vả, thiệt thòi hơn nam giới, nhưng hơn ai hết, phụ nữ làm chủ DN phải lo lắng và cáng đáng rất nhiều trách nhiệm, vì thế họ rất cần sự sẻ chia, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, hiệp hội và tổ chức.
Luật hóa hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ
Tuy đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho DNNVV do nữ làm chủ, nhưng rõ ràng chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống để hỗ trợ họ. “Rất nhiều luật có lồng ghép bình đẳng giới, có hỗ trợ DN nữ nhưng thực thi trong thực tiễn không đạt được như kỳ vọng” – ông Lợi đánh giá. Bình luận về dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang được đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét ở kỳ họp sắp tới, các nữ doanh nhân đều cho rằng, dự thảo còn quá chung chung. Bà Trịnh Thị Giới - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nữ Thanh Hóa đề nghị bổ sung quy định hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ vào dự luật lần này. Cũng theo phản ánh của bà Giới: “Nghị quyết 85/NQ - CP hỗ trợ DN nữ được giảm thuế nhưng ai hướng dẫn, DN nào được giảm? Chúng tôi hỏi cơ quan thuế thì họ bảo không thấy ai nói, hỏi chính quyền thì họ cũng trả lời là chưa hay biết. Mà quy định này có hiệu lực từ 15/10/2015 nhưng không có ai đứng ra hướng dẫn thực hiện”.
Còn bà Hoàng Anh Thơ - Trưởng Phòng Dạy nghề việc làm (Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế T.Ư, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) đề nghị bổ sung quy định, định nghĩa thế nào là “DNNVV do nữ làm chủ” vào dự luật. Bà Thơ cũng kiến nghị, trong Điều 41 của dự Luật hỗ trợ DNNVV cần bổ sung quy định giám sát việc đảm bảo bình đẳng giới trong việc hỗ trợ loại hình DN này.
Lắng nghe các kiến nghị trực tiếp từ đại diện cộng đồng DN nữ, ông Lợi khẳng định, ngay sau đây, Ủy ban về Các vấn đề xã hội sẽ có bản kiến nghị đầy đủ vai trò DN do nữ làm chủ trình Chính phủ. “Quốc hội sẽ cân nhắc xem xét dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV trong kỳ họp tới đây. Hiện nay, dự Luật chưa đề cập đến các DN do phụ nữ làm chủ, các ý kiến của các hội nữ doanh nhân sẽ được Quốc hội cân nhắc cẩn trọng” – ông Lợi cho hay.
Lâu nay, khu vực DNNVV, đặc biệt là DN do nữ làm chủ còn chưa có được sự hỗ trợ cần thiết, hiệu quả để vượt qua các rào cản do quy mô cũng như đặc thù giới tính. Việc đưa các nội dung về DNNVV do nữ làm chủ cũng cần có chương trình đặc thù dành cho khu vực kinh tế này, để huy động sự tham gia và đóng góp tích cực của các doanh nhân nữ Việt Nam cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Hoàng Quang Phòng

Hơn lúc nào hết, vấn đề hỗ trợ DN, doanh nhân nói chung và DN do nữ làm chủ nói riêng được cả hệ thống chính trị quan tâm. Việc đưa các nội dung hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ vào Luật Hỗ trợ DNNVV là cần thiết. Thứ nhất vì những đóng góp thực tế và tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế này – khu vực kinh tế mới nổi; Thứ hai là các rào cản do đặc thù giới tính trên thực tế vẫn còn tồn tại. “Đầu tư cho phụ nữ, tháo gỡ các rào cản” là chiếc chìa khóa cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia”. 
Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam
Nguyễn Thị Tuyết Minh

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Xu hướng kinh doanh mới và bước chuyển mình cho doanh nghiệp Việt

Xu hướng kinh doanh mới và bước chuyển mình cho doanh nghiệp Việt

18/01/2025 | 10:26

Sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành bán lẻ với xu hướng đa kênh, thanh toán không tiền mặt và ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến. 59% nhà bán hàng rất lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2025 và muốn mở rộng kinh doanh thay vì tiết kiệm chi phí.

Khánh thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất miền Bắc

Khánh thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất miền Bắc

09/01/2025 | 17:35

Kinhtedothi – Ngày 9/1, tại khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) Công ty J&T Express Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành trung tâm trung chuyển hàng hóa J&T Express Hà Nội. Đây là trung tâm trung chuyển lớn nhất của đơn vị này tại khu vực miền Bắc.

Tin tài trợ